Ngày 16/12, Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng quan hệ Nga-Thổ không chỉ căng thẳng do nước này bắn hạ Su-24.
Bà Zakharova cho rằng "những ngôn từ đáng sợ" tuôn ra từ phía Ankara đã ngăn hai nước đối thoại sau vụ bắn may bay ngày 24/11.
Điều này có thể hiểu rằng, sau khi bắn hạ Su-24, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có nhiều tuyên bố được cho là "đáng sợ" như máy bay Nga vi phạm không phận, không xin lỗi...
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc Nga không thể "dung thứ" cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ Nga, một số quan chức quân đội Ankara cũng từng chỉ trích các phát ngôn của ông Erdogan liên quan đến sự cố trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ không so sánh sự cố bắn hạ Su-24 với tình huống bắn hạ chiếc Boeing của Hàn Quốc trong không phận Liên Xô vài thập kỷ trước.
Cụ thể, ngày 20/4/1978 (thời kỳ Chiến tranh lạnh), Nga đã phóng 2 quả tên lửa hạ máy bay chở khách Boeing-707 của Hãng Hàng không Korean Air Lines (KAL).
Chiếc máy bay này bị hư hại phần cánh và kịp hạ cánh an toàn.
Sự cố này được cho là Mỹ sử dụng máy bay chở khách của đồng minh để do thám không phận Liên Xô. Bà Zakharova cũng nhắc lại lý do bắn hạ là do máy bay không có đèn định vị hàng không, không hồi đáp yêu cầu kiểm soát không lưu...
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, truyền thông Nga đưa tin nước này đang tính đến việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, Nga có thể trừng phạt mở rộng đến cả ngành kinh doanh khách sạn, chế biến gỗ, đào tạo phi công... Được biết, dự thảo đã được hoàn thành và chỉ chờ ông Putin hạ bút ký.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế đã dự đoán việc trừng phạt của Nga sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại khoảng 9 tỷ đô la.