Ông Prikhodko nói thêm rằng, Moscow sẽ tiếp tục hợp tác với những nước mong muốn phát triển quan hệ đối tác với Nga, ví dụ như Hy Lạp.
"Sự thực là tác động của bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và trong đa số trường hợp, các biện pháp trừng phạt thường có hậu quả tiêu cực cho chính những người khởi xướng ra chúng.
Chúng tôi sẽ không kêu gọi bất kỳ ai dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Đó là vấn đề liên quan đến ý chí chính trị và độ trưởng thành chính trị của các đối tác Châu Âu của chúng tôi”, Phó Thủ tướng Prikhodko phát biểu thêm.
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Nga lên tiếng thể hiện sự cứng rắn, thách thức trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 2 cũng từng có phát biểu tương tự như của ông Prikhodko.
"Chúng tôi sẽ không cầu xin bất kỳ điều gì… Họ sẽ phải tự đến và nói: Chúng ta hãy chấm dứt chuyện này (chính sách trừng phạt) bởi không ai được lợi gì từ đó. Mọi người đều phải chịu ảnh hưởng xấu từ các biện pháp trừng phạt”, Thủ tướng Medvedev đã nói như vậy trên tạp chí Time.
Quan hệ giữa Nga với phương Tây đang xấu đi một cách nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân là do xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây (Liên minh Châu Âu - EU) đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine.
Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.