Nga “nhắc nhở” Lithuania vì cung cấp vũ khí cho Ukraine

P. Nghĩa |

Moscow hôm 27-2, cho rằng Lithuania - quốc gia trong khu vực Baltic - đã vi phạm cam kết thương mại vũ khí quốc tế vì cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.

Đại sứ quán Nga tại thủ đô Vilnius trong một thông báo cho biết:: “Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hành động cung cấp thiết bị quân sự (cho Ukraine) là một sự vi phạm trực tiếp cam kết pháp lý của Lithuania trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí”.

Moscow khẳng định Vilnius không tuân thủ Hiệp ước Thương mại Vũ khí Quốc tế (IATT) cũng như các hiệp định về trao đổi vũ khí với Liên minh châu Âu cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius sau đó phát biểu với Reuters, thừa nhận Lithuania có cung cấp vũ khí cho Ukraine trong năm nay nhưng không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào do Moscow đưa ra.

Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius. Ảnh: DELFI

Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius. Ảnh: DELFI

Đầu tuần này, Vilnius thông báo đang lên kế hoạch tái khởi động lệnh tổng động viên quân sự để giải quyết mối quan ngại ngày càng tăng về sự quyết đoán của Nga trong khu vực Baltic.

Cũng trong ngày 27-2, Ukraine ký khoảng 20 hợp đồng xuất - nhập khẩu vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD tại triển lãm IDEX-2015 ở Abu Dhabi – Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Phó giám đốc Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC) Oleg Gladkovsky cho hay Kiev còn ký một thỏa thuận cung cấp máy bay và thiết bị tác chiến điện tử với tập đoàn Thales- Pháp.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine Petro Poroshenko, Kiev sẽ nhận vũ khí phòng thủ từ các công ty châu Âu, Mỹ và Trung Đông.

Ukraine ký khoảng 20 hợp đồng xuất - nhập khẩu vũ khí trị giá hàng trăm triệu đô la tại triển lãm IDEX-2015 ở Abu Dhabi. Ảnh: TASS

Ukraine ký khoảng 20 hợp đồng xuất - nhập khẩu vũ khí trị giá hàng trăm triệu đô la tại triển lãm IDEX-2015 ở Abu Dhabi. Ảnh: TASS

Tại miền Đông Ukraine, phó chỉ huy lực lượng dân quân Cộng hòa Luhansk tự xưng (LPR) Igor Yatsenko hôm 27-2, tuyên bố lực lượng này đã rút 70 % số vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến theo đúng tinh thần ngừng bắn của thỏa thuận Minsk.

Ông Yatsenko lưu ý OSCE và các phương tiện truyền thông đã chứng kiến cảnh dân quân LPR chuyển 13 đơn vị thiết bị quân sự, bao gồm 6 hệ thống pháo binh, ra khỏi Luhansk tới khu vực Georgievka.

Liên Hiệp Quốc cũng tổ chức một phiên họp khẩn cấp hôm 27-2, liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ và phe ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraine, theo đề xuất của Pháp và Đức, 2 nước giúp môi giới đạt được thỏa thuận Minsk 15-2.

Hội đồng đã nghe quan sát viên của OSCE trình bày sau 2 ngày liên tiếp không có báo cáo về thương vong giữa 2 bên và tất cả đều chấp hành nghiêm chỉnh điều kiện thu hồi vũ khí hạng nặng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi những bước tiến mới, đồng thời kêu gọi Moscow gấp rút chuyển vũ khí của mình ra khỏi miền Đông Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại