Theo Sina (Trung Quốc), từ tối 8/1, một hashtag trên Weibo mang tên "tố cáo cục phó Cục chống tham nhũng thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô Tống XX" nhận được sự quan tâm đặc biệt của cư dân mạng.
"Cục phó thác loạn"
Theo Sina, vụ việc do một cư dân mạng ở thành phố Trấn Giang tố cáo. Người này cũng đã đăng lời tố cáo của mình trên weibo của nhiều cơ quan chính quyền.
Cư dân mạng trên cho biết cha mình là "bạn học của Tống" - "Ông Tống mượn lý do tổ chức họp lớp... tiểu học để 'thác loạn' cùng những người sử dụng ma túy, kích động cha tôi về nhà đánh đập mẹ và tôi".
Người tố cáo cũng chất vấn "người như vậy sao lại được làm Cục phó chống tham nhũng", đồng thời tung ra hình ảnh ông Tống ôm ấp một phụ nữ trong tư thế "nửa nằm nửa ngồi" trong một quán karaoke.
Người này đồng thời tố "tội trạng" khác của Tống: lạm dụng quyền hạn để "cứu" những người... bị cưỡng chế đi cai nghiện, đe dọa người tố cáo...
Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn từ tờ Tin nhanh hiện đại trên weibo.
Sau khi xuất hiện trên weibo, những thông tin tố cáo đã lập tức khiến cư dân mạng Trung Quốc sôi sục.
Tấm ảnh ông Tống ôm ấp người phụ nữ, mặc dù thời gian chụp hình từ tháng 5/2014, nhưng vẫn nhận được hàng chục nghìn lượt share và bình luận.
Hôm 9/1, phóng viên báo Tin nhanh hiện đại (TNHĐ, Trung Quốc) đã gặp người phụ nữ tung tin tố cáo lên mạng.
Cô gái này cho hay, hình ảnh được đưa lên mạng là do mẹ cô này tìm được trong điện thoại của cha cô.
Tuy nhiên, cô gái không muốn tiết lộ thêm chi tiết.
Phản ứng của chính quyền
Phóng viên tờ TNHĐ đã tìm tới Viện kiểm sát nhân dân thành phố Trấn Giang, nhưng được thông tin rằng tại cơ quan này không có Cục phó Cục chống tham nhũng họ Tống.
Không lâu sau, trên weibo chính thức của Viện này ra một bản "Thông báo", qua điều tra, ông Tống - tên đầy đủ Tống Khắc Phi - thực tế là phó phòng Công tố thuộc Viện kiểm sát quận Kinh Khẩu, thành phố Trấn Giang.
Ông Tống Khắc Phi hoàn toàn không phải là "cục phó cục chống tham nhũng" và đã bị đình chỉ chức vụ để điều tra.
Thông báo trên cũng cho biết "những hình ảnh ôm ấp thân mật đúng là do bạn bè chụp trong buổi họp lớp của Tống Khắc Phi".
Trên một diễn đàn ở Trấn Giang, Viện kiểm sát Kinh Khẩu cũng đưa ra phản ứng, nói rằng "đang điều tra thông tin về cuộc họp lớp của Tống Khắc Phi".
Hình ảnh trong "cuộc họp lớp" của Tống Khắc Phi.
"Chụp ảnh lưu niệm cùng bạn học"
Chiều ngày 9/1, Tống Khắc Phi trả lời phỏng vấn của báo TNHĐ cho hay, ông này đã nhận được quyết định đình chỉ chức vụ và tiếp nhận điều tra.
Ông Tống cũng cho biết gia đình đã biết vụ bê bối của mình - "Sự việc ảnh hưởng rất xấu, tôi cảm thấy rất oan ức".
Ông này thanh minh rằng người phụ nữ xuất hiện trong bức ảnh mang họ Mao và là bạn học thời tiểu học, trung học của ông Tống.
"Mọi người tụ tập uống rượu, chụp ảnh 'lưu niệm' rất nhiều.
Các bạn học khác cũng chụp ảnh với nhau, tôi và cô Mao cũng là một trong số đó".
Bên cạnh đó, Tống Khắc Phi phủ nhận toàn bộ nội dung tố cáo trên weibo, nói rằng bản thân không hề lạm dụng quyền hạn và không hề đe dọa hay bắt người khác thanh toán cho các khoản chi tiêu của mình.
Ông này cũng cho rằng, xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ gia đình, cho nên người tố cáo cho rằng ông Tống "làm hư" cha mình.
"Tôi hy vọng tổ chức sẽ điều tra và cho tôi một kết quả công bằng."
Trang Tin tức Tứ Xuyên bình luận, mặc dù xác nhận hình ảnh "bất nhã" đúng là trong cuộc họp lớp của Tống Khắc Phi, nhưng hành vi của ông này "đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình tượng cán bộ đảng viên".
"Bị cách chức vì vụ này không oan một chút nào" - tờ báo này viết.
Trước đó, hồi tháng 5/2014, một quan chức họ Tiêu, cũng thuộc tỉnh Giang Tô, bị tung ảnh ôm ấp một phụ nữ lên mạng. Ông này khi đó cũng cãi rằng "Tôi ôm bạn học, không phải tiếp viên".
Tuy nhiên, Ủy ban kỷ luật địa phương điều tra chứng thực, cô gái ông này ôm chính là "nhân viên tiếp rượu" của quán karaoke. Ông Tiêu mất chức ngay sau đó.