Nga, Mỹ sẽ biến thù thành bạn?

Minh Thu |

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên vô cùng căng thẳng trong năm 2014 do những bất đồng chính kiến giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Vậy trong năm 2015, Nga - Mỹ có thể biến từ "thù địch" thành "bạn bè"?

Năm 2014 từng được kỳ vọng là năm kết thúc tiến trình Nga - Mỹ thực thi chính sách "điều chỉnh" nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

Song, chính sách này lại trở thành nạn nhân của cuộc đối đầu liên quan tới khủng hoảng Ukraine và đẩy hai nước rơi vào cuộc "Chiến tranh Lạnh mới".

Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu trong mối quan hệ Nga – Mỹ năm 2014 do trang web Russia Direct bình chọn:

1. Đại sứ Mỹ Michael McFaul từ chức

Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul đã tuyên bố từ chức hôm 4/2.

Đây được xem là một sự kiện gây ngạc nhiên cho cả giới truyền thông và các chuyên gia chính trị.

Nhiều người cho rằng quyết định từ chức ông McFaul có liên quan tới chính sách "điều chỉnh" quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul.

"Sau hơn 5 năm làm việc trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, giờ là lúc trở về nhà", ông McFaul nói sau tuyên bố từ chức.

Mặc dù, ông McFaul tuyên bố ông quyết định từ chức là muốn trở về đoàn tụ với gia đình tại California, song các chuyên gia Nga và Mỹ đều cho rằng đại sứ McFaul đã tỏ ra thất vọng trước những sự kiện xảy ra tại Nga và mất động lực để tiếp tục triển khai "chính sách điều chỉnh".

2. Tân đại sứ Mỹ tại Nga

Hôm 30/6 năm ngoái, nhật báo Kommersant của Nga cho hay nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm John Tefft sẽ trở thành tân đại sứ Mỹ tại Nga.

Bởi ông Tefft được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vụ đại sứ Mỹ tại Nga.

Trước đó, ông Tefft từng là phó đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 1996 – 1999, đại sứ Mỹ tại Lithuania từ năm 2000 – 2003 và đại sứ Mỹ tại Georgia từ năm 2005 - 2009.

Gần đây nhất, từ tháng 11/2009 – 8/2013, ông Tefft giữ chức đại sứ Mỹ tại Ukraine.

Đại sứ Mỹ John Tefft gặpTổng thống Nga Putin trao quốc thư tại điện Kremlin.

Việc bổ nhiệm ông Tefft diễn ra đúng thời điểm bùng nổ gia tăng căng thẳng khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

Do đó, cả điện Kremlin và giới truyền thông ủng hộ chính phủ Nga đều tỏ ra thận trọng trước ông Tefft và gọi ông này là một chuyên gia trong "các cuộc cách mạng màu sắc".

Tuy nhiên, giới chuyên gia thừa nhận rằng việc bổ nhiệm ông Tefft không có nghĩa là mối quan hệ Nga – Mỹ sẽ bước sang chương mới.

3. Trừng phạt Nga

Liên tiếp trong tháng 3, 4 , 7 và 11, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới chính sách của điện Kremlin với Ukraine và quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine.

Tiếp đó, các nước đã mở rộng lệnh trừng phạt khi liệt kê hàng loạt cá nhân và công ty của Nga để đưa vào danh sách hạn chế đi lại và giao dịch.

Danh sách này có tên các quan chức và doanh nhân hàng đầu nước Nga cũng như nhiều công ty và ngân hàng như Rosneft và Vnesheconombank.

Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên áp đặt lệnh trừng phạt với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Không dừng lại, phương Tây còn đưa ra những biện pháp trừng phạt khắt khe nhắm vào ngành tài chính của Nga vốn đang tron cơn khủng hoảng, đồng thời giới hạn hoạt động nhập khẩu các mặt hàng công nghệ hiện đại sử dụng trong ngành năng lượng và quân sự của Nga.

Thực tế, những lệnh trừng phạt trên khiến nhiều người lo ngại và đồn đoán rằng khả năng Nga sẽ bị loại khỏi tư cách thành viên trong hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.

Và khả năng Moscow cũng sẽ thảo luận về việc rút khỏi hệ thống thanh toán bằng thẻ Visa và Mastercard.

4. Nga phản đòn

Đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga cũng đưa ra hàng loạt "đòn phản công" như hạn chế đi lại với một số quan chức Mỹ.

Kể từ tháng 8/2014, lệnh trừng phạt của Nga còn mở rộng cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và các nước EU.

Đây là những nước đã đưa ra lệnh trừng phạt với Nga trước đó.

Nga phản đòn khi đưa ra lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ châu Âu.

Điển hình, Nga đã ra lệnh cấm nhập các mặt hàng hoa quả, rau xanh, thịt, cá, sữa và ngũ cốc từ Mỹ, EU, Australia, Canada và Na Uy.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, những biện pháp đáp trả của Nga là một dạng "chiến tranh thương mại" và nó sẽ khiến mối quan hệ Nga – Mỹ càng thêm căng thẳng.

5. Chấm dứt chương trình trao đổi du học sinh

Năm 2014 chứng kiến nhiều chương trình trao đổi giáo dục giữa Nga – Mỹ bị xóa bỏ.

Theo đó, trong năm 2014, một số chương trình trao đổi giáo dục và khoa học gữa hai nước đã bị cả phía Mỹ và Nga đơn phương chấm dứt.

Điển hình, giới chức Washington đã cho ngừng chương trình trao đổi giáo dục với văn phòng Viện Kennan tại Moscow hồi mùa xuân.

Tới mùa thu, chính quyền Nga đã cho ngừng chương trình "Trao đổi các nhà lãnh đạo tương lai" (FLEX), tạo cơ hội cho học sinh Nga tới Mỹ học 1 năm.

Chương trình trao đổi du học sinh giữa Nga và Mỹ bị gián đoạn do những bất đồng chính trị.

Phía Mỹ giải thích quyết định đóng cửa văn phòng Kennan tại Moscow là do họ thiếu kinh phí hoạt động và đang cố gắng thu xếp nguồn tài chính.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định động thái chấm dứt chương trình trao đổi giáo dục của giới chức Mỹ cho thấy Washington không còn quan tâm tới những lợi ích tại Nga.

Đặc biệt, quyết định này được đưa ra trước thời điểm Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine và cuộc nội chiến tại miền đông Ukraine bùng nổ.

Trong khi đó, điện Kremlin cũng đã hoãn chương trình FLEX hồi tháng 10.

Theo chuyên gia giám sát nhân quyền trẻ em tại Nga, ông Pavel Astakhov, Moscow từ bỏ chương trình FLEX là do một gia đình người Mỹ đã vi phạm những cam kết liên quan tới việc đảm bảo tự do cho một học sinh trung học người Nga và hợp pháp hóa quyền giám sát học sinh này.

6. Cuộc chiến ngôn từ giữa Tổng thống Obama và Putin

Những lời tuyên bố căng thẳng chính trị liên tiếp xảy ra giữa Tổng thống Obama và Putin càng khiến hy vọng về việc cải thiện mối quan hệ Nga – Mỹ trong năm 2014 trở nên xa vời.

Tổng thống Putin và Obama không ít lần đưa ra những tuyên bố mang tính đối đầu.

Thậm chí, trong tuyên bố tại Liên Hợp Quốc hồi tháng Chín, Tổng thống Obama đã nêu tên Nga bên cạnh căn bệnh Ebola, nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, vào danh sách một trong những mối đe dọa hàng đầu trên thế giới.

Đáp trả, Tổng thống Putin cũng công khai cáo buộc Mỹ xúi bẩy cuộc nội chiến tại Ukraine và can thiệp vào chuyện nội bộ của nhiều nước trên thế giới.

7. Thảm kịch MH17

Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi tại miền đông Ukraine hôm 17/7 đã trở thành sự kiện gây chia rẽ sâu sắc trong quan hệ Nga – Mỹ.

Trong khi Mỹ thẳng thắn tuyên bố thảm kịch xảy ra liên quan trực tiếp tới việc Nga hỗ trợ tài chính cho quân nổi dậy tại miền đông Ukraine thì Moscow lại coi đây là sự kiện liên quan trực tiếp tới sự can thiệp của Mỹ tại Ukraine.

Những mảnh vỡ còn lại từ chiếc máy bay MH17 của Malaysia sau khi bị rơi tại miền đông Ukraine.

Thậm chí, nhiều nước còn nhân thảm kịch MH17 bị bắn rơi tại miền đông Ukraine để tăng thêm lệnh trừng phạt chống lại Nga.

8. Bắt giữ những công dân Nga nổi tiếng

Một trong những nguyên nhân khiến mối quan hệ Moscow - Washington xuống dốc còn phải kể tới việc Mỹ bắt giữ một vài công dân Nga.

Điển hình, con trai của nghị sĩ Duma quốc gia Nga Valery Seleznev là Roman Seleznev đã bị bắt tại Maldives hồi tháng Bảy và bị dẫn độ về Mỹ sau cáo buộc lừa đảo ngân hàng.

Tuy nhiên, giới chức Nga gọi đây là một vụ "bắt cóc".

Vadim Mikerin, Giám đốc điều hành của Tập đoàn TENAM, đã bị bắt tại Mỹ trước cáo buộc đưa đút lót.

Ngoài ra, Vadim Mikerin, Giám đốc điều hành của Tập đoàn TENAM, một chi nhánh của công ty Atomenergoprom tại Nga, cũng đã bị bắt tại Mỹ với cáo buộc "đưa đút lót để giành được các bản hợp đồng vận chuyển nhiên liệu hạt nhân của Nga tới Mỹ".

9. Chương trình hợp tác vũ trụ

Một trong những sự kiện mang tính khả quan trong quan hệ Nga – Mỹ phải kể đến chương trình hợp tác khai thác vũ trụ giữa hai nước.

Sự phát triển của chương trình này đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó cho thấy mối quan hệ Nga – Mỹ vẫn có thể duy trì bất chấp những bất đồng chính trị trên một số lĩnh vực nhất định.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng Tư, NASA đã gửi một bản ghi nhớ nội bộ cho các nhân viên của mình nhằm thông báo việc hoãn những dự án liên kết với Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga Roscosmos.

Đây được xem là phản ứng của Mỹ trước cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngay cả việc các nhân viên NASA di chuyển tới Nga hay tổ chức các cuộc họp song phương, trao đổi qua điện thoại với đối tác Nga cũng bị trì hoãn.

Dù bất đồng chính trị, Mỹ và Nga vẫn hợp tác cùng nhau trong chương trình khai thác vũ trụ.

Tuy nhiên, dự án hợp tác chung duy nhất còn tồn tại giữa Nga – Mỹ là chương trình Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Trên thực tế, những chương trình hạn chế được NASA liệt kê trong bản ghi nhớ gửi tới nhân viên đã cường điệu hóa so với thực tế.

Sau đó, bản ghi nhớ này đã bị xóa bỏ. Hiện nay, bất chấp những căng thẳng giữa Washington và Moscow liên quan tới Ukraine, NASA và Roscosmos vẫn đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo trong dự án hợp tác vũ trụ vốn có tuổi thọ 40 năm.

10. Buổi biểu diễn mang tính lịch sử của Bolshoi tại Mỹ

Buổi biểu diễn của các vũ công ballet thuộc nhà hát Bolshoi tại Hội chợ Trung ương Lincoln tại New York hồi tháng Bảy không chỉ mang tính biểu tượng cho việc nối lại tình hữu nghị giữa Nga – Mỹ mà còn mở ra hy vọng cho việc 2 nước tổ chức các cuộc đối thoại bất chấp những bất đồng chính trị.

Buổi biểu diễn của các nghệ sĩ ballet của nhà hát Bolshoi.

Những chương trình trao đổi văn hóa như trên đã góp phần quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ Nga – Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và một lần nữa, nó đóng vai trò tạo nên "khuôn mẫu khác" trong quan hệ giữa 2 nước hiện nay.

Dự đoán năm 2015

Rõ ràng, năm 2014 không phải là một năm tốt đẹp trong mối quan hệ Nga – Mỹ.

Tuy nhiên, hy vọng, những sự kiện trong năm 2014 sẽ đưa đến nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng cho giới lãnh đạo hai nước trong năm 2015.

Rất nhiều sự kiện trong mối quan hệ Nga – Mỹ năm 2014 có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine và quyết định Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine.

Các lệnh trừng phạt kinh tế, cấm đi lại, thảm kịch MH17, thái độ thù địch giữa quan chức hai nước và cuộc chiến ngôn từ của giới báo chí, tất cả đều đưa mối quan hệ song phương Nga – Mỹ vào tâm điểm của dư luận quốc tế.

Khả năng trong năm 2015, Nga - Mỹ sẽ tiến hành nhiều cuộc thảo luận nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, những lời cáo buộc lẫn nhau giữa Nga và Mỹ đã kéo dài quá lâu và lên tới đỉnh điểm.

Do đó, một số nhà quan sát xem mối quan hệ giữa hai nước đang bước vào giai đoạn "Chiến tranh Lạnh mới" song chưa tới mức như cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba hồi năm 1962.

Năm 2015 sẽ là năm quan trọng để Nga và Mỹ rút ngắn sự cách biệt trong quan hệ giữa hai nước.

Thế giới vẫn sẽ chứng kiến những sai lầm của các chính trị gia, những cuộc đụng độ liên quan tới lợi ích song chắc chắn, Nga – Mỹ sẽ cân nhắc việc tổ chức các chương trình đối thoại và hợp tác song phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại