Miếng đánh bất ngờ của Nga
Theo ông Gvosdev, tương tự với những động thái trước đó của Nga tại Syria, việc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cũng như các vụ việc khác dọc biên giới Syria-Thổ có thể coi là những thông điệp địa chính trị trực tiếp từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thứ nhất, Nga muốn chứng minh họ có khả năng tham chiến ở nhiều mặt trận cùng lúc. Trong năm vừa qua, nếu được hỏi hành vi gây hấn tiếp theo của Nga đối với NATO sẽ xảy ra tại mặt trận nào, tuyệt đại đa số giới quan sát sẽ trả lời đó là khu vực Baltic.
Các quan chức NATO cũng có suy nghĩ tương tự và dành nhiều sự chú ý vào việc cải thiện năng lực quân sự của khối liên minh tại khu vực Baltic. Lo ngại "ván cờ" sắp tới sẽ diễn ra tại điểm nóng này, các cuộc tập trận và tuần tra tại Estonia hay Latvia tăng cả về số lượng lẫn cường độ.
Nhưng khi đã quá tập trung vào một mặt trận, lẽ tự nhiên NATO sẽ để lộ những sơ hở ở những mặt trận khác. Và theo chuyên gia Gvosdev, thách thức lớn nhất từ Nga sẽ xuất hiện tại mặt trận Levant, từ những chiếc máy bay Nga trên không phận Syria "lấn sân" sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù rõ ràng không thể công khai thừa nhận bị bất ngờ, nhưng có thể khẳng định NATO không hề lường trước nước đi này của Nga. Cánh đông nam từ trước đến nay vẫn được coi là điểm yếu cố hữu của liên minh, nhưng lại rất hiếm khi được để tâm đến.
Theo ông Gvosdev, Thổ Nhĩ Kỳ chắc hẳn vẫn rất nhớ những phiên thảo luận năm 2002 và 2003, khi các thành viên NATO đã chần chừ đến mức nào trước khi miễn cưỡng tham gia cải thiện năng lực quốc phòng của Ankara để đề phòng hệ quả xấu xảy ra từ chiến tranh Iraq.
Nay, khi máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg đã lập tức lên tiếng phản đối kịch liệt. Nhưng việc ông có thể huy động 27 thành viên còn lại quyết tâm bảo vệ Ankara theo Điều khoản 5 của liên minh hay không lại là chuyện khác.
Trước khi ông Stoltenberg có thể làm được điều đó, quyền "nắm đằng chuôi" tại Levant sẽ thuộc về Nga. Liệu Moscow có tận dụng sơ hở này của NATO hay không?
Quan hệ Nga-Thổ và thế khó của phương Tây
Theo ông Gvosdev, việc Nga có muốn làm tổn hại quan hệ đối tác kinh tế hết sức tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ hay không vẫn là một ẩn số. Nhưng với những gì Nga đã thể hiện trong 2 năm vừa qua, có thể thấy điện Kremlin không ngại "hi sinh" lợi ích kinh tế để đổi lấy lợi thế địa chính trị.
Có khả năng Nga đã đi đến kết luận rằng đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, "cây cầu" đưa khí đốt Nga tới các thị trường châu Âu mà không phải qua trung gian Ukraine, đã không còn quá quan trọng, và việc hi sinh nó để đổi lấy ưu thế chính trị tại Levant sẽ khả thi hơn.
Mặt khác, chính phủ Tổng thống Putin có lẽ đang chơi một canh bạc rằng việc gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ để thể hiện sự bất ổn của NATO sẽ khẳng định được lập trường của Nga, vì ông hiểu rằng NATO đang ở vào thế khó.
Điều này cũng dễ hiểu, vì khi liên minh đang dồn sự chú ý vào Baltic do hệ quả của cuộc khủng hoảng Ukraine, thì quả thật không dễ gì để NATO có thể cắt xén bớt một chút ưu tiên này sang Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo rằng liên minh sẽ đứng ra chịu trách nhiệm với an nguy của Ankara.
Có một điều chắc chắn, đó là với việc kiểm soát không phận Syria, Putin đã sẵn sàng chuyển sang thế công. Điều này đã đặt liên quân chống IS của phương Tây vào thế khó.
Trong năm vừa qua, máy bay của liên quân đã thoải mái không kích vào các mục tiêu IS tại Syria mà không vấp phải bất kì sự phản đối nào của chính phủ Syria. Vì "thù chung" là IS, hai bên ngầm hiểu là chính phủ Bashar al-Assad đã cho phép liên quân làm như vậy.
Mặt khác, không quân Nga hoạt động tại Syria với sự cho phép của Damascus. Khi liên quân phương Tây bày tỏ quan điểm rằng lực lượng nổi dậy Syria do không có liên quan tới IS nên cần nhận được sự bảo vệ khỏi các cuộc không kích của Nga, thái độ của al-Assad đã thay đổi hẳn.
Tận dụng điều đó, Nga đã cảnh báo liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu rằng mọi hoạt động quân sự của liên quân này trên không phận Syria chỉ được tiến hành khi đã có sự cho phép của Damascus.
Nói cách khác, theo ông Gvosdev, Nga đang sử dụng chính phủ al-Assad, vì trên lý thuyết chính phủ này vẫn có quyền kiểm soát toàn bộ không phận Syria, như một công cụ cản trở các hoạt động quân sự của liên quân, để Nga thỏa sức tung hoành.
Đương nhiên Mỹ và các đồng minh vẫn còn lựa chọn thiết lập vùng cấm bay, nhưng làm như vậy rõ ràng sẽ dẫn đến giao tranh với Nga, điều mà Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã nhiều lần nhấn mạnh việc tránh giao tranh không cần thiết ở Trung Đông, không hề mong muốn.
Tóm lại, cái đích của Nga đã quá rõ: giải quyết được nội chiến Syria và giữ ghế cho al-Assad, hoặc chí ít là giữ được tầm ảnh hưởng của Tổng thống này hậu nội chiến. Không có gì ngạc nhiên khi cả hai viễn cảnh này đều bị phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, và đại bộ phận các nước Arab phản đối.
Tổng thống Putin dường như đang đẩy mạnh thực hiện những toan tính của riêng mình đồng thời loại bỏ dần dần những lựa chọn dành cho phương Tây, buộc Mỹ, NATO và các đối tác Trung Đông phải đẩy mạnh quân sự để làm đối trọng với Nga trong khu vực.
Việc xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ mới đây chỉ là một trong những canh bạc mà Putin đã sẵn sàng chơi để đạt được mục đích của mình.
Đổi lấy điều đó là những lợi ích kinh tế trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có lẽ ông chủ điện Kremlin đã sẵn sàng thực hiện cuộc trao đổi này để khai thác "điểm yếu chết người" của NATO tại cánh đông nam của liên minh.