Nga khoe uy lực trước cuộc đàm phán các bên Syria

Châu Anh (tổng hợp) |

Ngoại trưởng Nga - Mỹ vừa khẳng định đàm phán các bên Syria sẽ sớm diễn ra, động thái này cho thấy ưu thế của Nga khi trước đó có nhiều lo ngại Nga - Mỹ khó đạt được thỏa thuận đàm phán.

Nga phô trương sức mạnh

Một nhóm phóng viên đến từ các cơ quan truyền thông có trụ sở tại Moskva vào ngày hôm nay đã được mời tới căn cứ Hmeynim của Nga tại Latakia, Syria, trực tiếp theo dõi hoạt động không kích của Không quân Nga.

Họ đã được chứng kiến các phi đội máy bay cường kích Su-25 thực hiện không kích, trở về hạ cánh an toàn tại căn cứ và sau đó được các nhân viên mặt đất sửa soạn chuẩn bị cho phi vụ không kích tiếp theo ngay sau đó.

Một phóng viên hãng thông tấn AP cho biết, điểm khác biệt lớn nhất tại căn cứ Hemeimeem so với chuyến viếng thăm trước đó vào tháng 10/2015 là sự hiện diện của hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400. Trông chúng thật uy lực.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích Syria vào ngày 30/9/2015, các máy bay chiến đấu của Không quân Nga đã thực hiện gần 6.000 phi vụ không kích. Con số trên là rất đáng nể nếu biết số lượng máy bay chiến đấu được Nga triển khai tới Syria chỉ là vài chục chiếc.

Phiến quân bị đập tơi tả

Sau 4 tháng Nga tới tấp không kích ở Syria, lực lượng nổi dậy tổn thất không ít, Tổng thống Bashar al-Assad được trợ lực đáng kể.

Phiến quân ở phía Tây bị giáng nhiều đòn mạnh hơn, còn ở phía Đông và những khu vực trung tâm Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng đang chịu áp lực và cắt giảm lương các tay súng do các hoạt động buôn lậu dầu đang giảm dần khi giá lao dốc.

Tuần trước, quân đội chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Salma thuộc tỉnh Latakia, vốn là một trong những nơi quan trọng, kể từ khi bắt đầu có sự can thiệp của Nga.

Quân đội Syria Tự do (FSA) chuẩn bị cho một cuộc tấn công IS ở phía Bắc Aleppo. Ảnh: REUTERS.
Quân đội Syria Tự do (FSA) chuẩn bị cho một cuộc tấn công IS ở phía Bắc Aleppo. Ảnh: REUTERS.

Ông Jamil al-Saleh, một chỉ huy thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA), nhận định, hầu hết các vùng do phe đối lập kiểm soát đều chuyển sang phòng thủ".

Trước đó, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria gặp nhiều khó khăn từ tháng 10/2015, khi quân chính phủ Syria vấp phải sự kháng cự quyết liệt phe đối lập được trang bị các tên lửa chống tăng TOW do Mỹ và Arab Saudi cung cấp.

Quân đội Syria rơi vào thế bế tắc khi gần như không thể giành lại được bất cứ vùng lãnh thổ nào từ tay phe đối lập.

Tuy nhiên theo thời gian, các cuộc không kích của Nga đã phát huy hiệu quả. Phe nổi dậy cho biết việc cung cấp tên lửa chống tăng TOW đã bị suy giảm do Nga tăng cường không kích với mật độ dày đặc.

Chiến đấu cơ Nga liên tục không kích tuyến đường chi viện từ Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt con đường tiếp tế vũ khí và lương thực cho phe nổi dậy.

Giành ưu thế trên bàn đàm phán

Các cuộc không kích suốt hơn 4 tháng qua của Nga đã phát huy hiệu quả đến mức nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Syria có cần thiết hay không, khi giờ đây ông Assad và các lực lượng đồng minh dường như đang rất tự tin rằng họ có thể giành được chiến thắng trên chiến trường trước phe đối lập và cả phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo giới phân tích, không có lý do gì để chính phủ Syria và Nga tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ cả trước và trong khi tiến hành đàm phán.

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga được triển khai ở Syria
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga được triển khai ở Syria

Với việc quân đội Syria và đồng minh đang liên tiếp giành thắng lợi trên nhiều mặt trận ở miền bắc, miền nam và miền trung nhờ sự hỗ trợ của chiến đấu cơ Nga, ông Assad hiện không còn chịu áp lực phải rút lui nữa.

Gần đây, Mỹ đã chấp nhận từ bỏ yêu cầu tiên quyết mà họ theo đuổi bấy lâu là buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực trước khi bắt đầu đàm phán.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại