Mặc dù Nga và NATO chưa chắc sẽ đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn, nhưng từ những sự kiện diễn ra ở Ukraine và Syria, các nước phương Tây đã có một lý do để lo ngại.
Tổng thống Vladimir Putin đã chứng minh rằng quân đội Nga ngày càng thiện chiến hơn, và ông có thể sử dụng lực lượng vũ trang của mình đạt được những mục đích địa chính trị của Nga.
“Nga đã chứng minh được rằng họ có thể can thiệp và thoát ra một cách thông minh, và họ biết cách sử dụng các chiến dịch quân sự nhằm đạt được những mục đích ngoại giao”, bà Evelyn Farkas, một nhà phân tích chính trị của viện nghiên cứu Atlantic Council cho biết.
Đây lại là bước tiến lớn nữa của Nga. Vào năm 2008, Moscow đã mất ít nhất 4 máy bay quân sự tại Georgia khi nước này xảy ra một cuộc xung đột ngắn ngày, các nước phương Tây đã gọi đây là một thảm họa và là minh chứng cho thấy lực lượng vũ trang của Nga rất yếu kém.
Trong một cuộc phỏng vấn, cựu Đô đốc James Stavridis cho biết khi ông lên nhậm chức chỉ huy quân đội của NATO vào năm 2009, NATO không có bất kỳ phương án nào để đối phó với Nga.
“Chúng tôi hoàn toàn không có bất kỳ kế hoạch nào để chống Nga. Chúng tôi tin rằng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, họ không còn như trước nữa”, ông Stavridis nói.
Giờ đây, NATO đang vội vàng tổ chức các cuộc tập trận và đang xem xét điều động quân đội quy mô lớn tới vùng Baltic, Ba Lan và một số nơi ở Đông Âu khi những nước trong các khu vực trên lo rằng Nga có thể “gây hấn” với họ.
Cuộc xung đột tại Georgia đã mở đầu một quá trình cải tổ và hiện đại hóa quân đội Nga, được ông Gustav Gressel, một nhà phân tích quốc phòng uy tín gọi là “một cuộc cách mạng quân sự ngầm”.
Trong một bài viết mới đây, ông nhắc đến sự tiến bộ không chỉ về khí tài quân sự mà còn cả tính chuyên nghiệp và khả năng chiến đấu của quân đội Nga nhờ được huấn luyện bài bản hơn trước.
Chuyên gia người Latvia Janis Berzins nhận thấy rằng, Nga đã sử dụng các thiết bị gây nhiễu hiện đại trong cuộc chiến ở Syria. Moscow cũng đưa những thiết bị này ra tỉnh Kaliningrad, một vùng đất tách rời nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Nga cũng đã điều động S-400 đến Syria và vẫn được bố trí tại đây ngay cả khi Nga đã rút quân, qua đó ngăn các nước khác lập nên vùng cấm bay của riêng mình tại Syria.
Việc Nga công bố tên lửa hành trình Kalibr, được phóng đi từ các tàu chiến tại Biển Đen lại cho thấy một phương án tấn công khác mà các nước phương Tây cho rằng nó có thể công kích nhiều địa điểm ở châu Âu.
Có người tin rằng, tên lửa Kalibr sẽ giúp Nga tránh đưa phi công của mình vào vùng nguy hiểm trong trường hợp xung đột xảy ra.
Một trong những thay đổi ấn tượng nhất trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, đó là khả năng hậu cần đã được cải tiến. Kế hoạch vận chuyển, từ lâu là điểm yếu của quân đội Nga, hiện đã trở nên hiệu quả hơn trước.
“Khi Nga tuyên bố tiến hành không kích tại Syria, nhiều chính trị gia Washington một mực khẳng định rằng Nga sẽ không thể tiếp tục hoạt động một cách liên tục”, ông Mark Galeoti, chuyên gia về an ninh và quốc phòng Nga cho biết.
“Chúng ta đã nhầm. Mặc dù vẫn còn những vấn đề nhỏ, nhưng cách làm của Nga luôn ưu tiên tính hiệu quả”.
Qua những cuộc tập trận gần đây, ông Galeoti cho biết Nga sẽ tiến hành các chiến dịch chống khủng bố ở Trung Á hoặc Afghanistan, và đây sẽ là cơ hội tiếp theo để ứng dụng các loại khí tài quân sự mới.
Nga cùng với các nước trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã có một cuộc diễn tập quân sự nhằm đề phòng một cuộc xâm lược của IS có thể xảy ra tại Tajikistan.
Có thể nói rằng, chiến dịch can thiệp quân sự đầu tiên của Nga sau nhiều năm cho thấy Moscow hoàn toàn có thể triển khai quân một lần nữa, và NATO đang lo lắng tìm cách đối phó.