Nga giúp Syria, vì sao?

Hoàng Duy |

Ngoài bảo vệ đồng minh truyền thống Syria và tiêu diệt Nhà nướcHồi giáo, Nga muốn trụ vững ở Syria, trung tâm địa-chính trị ở Trung Đông.

Hợp đồng cung cấp vũ khí đầu tiên Liên Xô (cũ) đã ký với Syria vào năm 1956. Quan hệ hợp tác nhanh chóng phát triển với các hợp đồng thương mại.

Hiệp ước hữu nghị Liên Xô-Syria

Sau khi đảng Ba’ath cầm quyền ở Syria năm 1963, Liên Xô đã gia tăng viện trợ kinh tế cho Syria, đồng thời cho Syria vay 450 triệu USD mua thiết bị quân sự của Liên Xô (hoàn trả trong 12 năm).

Đầu những năm 1970, Liên Xô đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng ở Syria như đập Tabqa trên sông Euphrates năm 1973.

Lúc đó Liên Xô đã xây dựng căn cứ hậu cần ở Tartus trong lúc hải quân Liên Xô còn nhiều căn cứ khác trong khu vực (ở Libya, Ai Cập, Ethiopia).

Dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad (cầm quyền ở Syria từ năm 1970), dù Liên Xô không đồng ý Syria vẫn hợp tác với Ai Cập đánh Israel năm 1973 (chiến tranh Yom Kippur) và đánh Lebanon năm 1976.

Khi đã thiết lập được quan hệ đồng minh trong khu vực với Ai Cập, Iraq và Yemen, Syria dần dần trở thành đối tác quan trọng của Liên Xô.

Ngày 8-10-1980, Tổng thống Hafez al-Assad sang Moscow ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác trong 20 năm. Sau đó, Liên Xô cử đến Syria thêm nhiều cố vấn quân sự và bố trí nhiều tên lửa phòng không hiện đại ở Syria.

Sau đó, Syria tiếp tục giao tranh với Israel tại Lebanon năm 1982 và bắt tay với Hezbollah ở Lebanon mà từ chối giúp Tổ chức Giải phóng Palestine (trái ý Liên Xô).

Từ lạnh nhạt trở lại nồng ấm

Chuyên gia Bỉ Paul Jorion nhận định quan hệ Syria-Liên Xô chỉ thuần túy là thỏa hiệp chứ chính sách ngoại giao khác nhau. Sự kiện Liên Xô chuẩn bị tan rã đã làm thay đổi cơ bản tình hình.

Năm 1985-1990, Liên Xô không tiếp tục thực hiện thỏa thuận hợp tác quân sự với Syria. Liên Xô không còn tiền để viện trợ, thậm chí còn đòi Syria trả nợ cũ. Tệ hơn, Liên Xô còn xích lại gần Israel.

Tổng thống Hafez al-Assad liền trở cờ chơi với Mỹ và tham gia liên minh đánh Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Syria cũng tự đa dạng nguồn cung cấp vũ khí, đặc biệt từ Đông Âu.

Đến năm 2000, Tổng thống Putin lên cầm quyền đã xoay chuyển tình thế. Nga tìm cách khôi phục quan hệ nồng ấm với Syria. Vào lúc đó, Tổng thống Bashar al-Assad đã lên nối nghiệp cha.

Sau đó, Syria tiếp tục mua vũ khí của Nga, Nga xóa một phần nợ cho Syria và chiếm lĩnh thị trường Syria về thông tin, hàng không, du lịch, năng lượng.

Nhiều hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nga Medvedev đến Syria vào tháng 5-2010.

Năm 2010, nợ của Syria với Nga ước tính từ 500 triệu đến 1 tỉ USD. Khi phong trào biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad bùng nổ, khả năng Syria trả nợ cho Nga và thực hiện hợp đồng với ngành công nghiệp Nga bị đe dọa.

Chính vì vậy, Nga vừa phong tỏa hết mọi cấm vận hay nghị quyết trừng phạt Syria vừa thúc ép Syria cải cách.

Các lý do Nga muốn Syria đứng vững

Tóm lại, Nga ủng hộ Syria vì ba sức ép:

- Sức ép kinh tế và công nghiệp quốc phòng (nợ của Syria với Nga).

- Sức ép địa-chính trị: Sau khi mất thế ở Libya và Ai Cập, Nga muốn giữ mắt xích chiến lược Syria bởi Syria là đồng minh của Hamas, Hezbollah, Iran.

- Sức ép tâm lý: Nga xem liên minh Nga-Syria là một biểu tượng thể hiện nước Nga vĩ đại trên trường quốc tế.

Đến năm 2015, quân đội Syria liên tục thất trận. Trong khi đó, Nga rất cần chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đứng vững vì:

- Nga muốn giữ quan hệ ưu tiên với Iran vào lúc phương Tây đã ký thỏa thuận về hạt nhân Iran và chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Iran.

- Lôi kéo châu Âu vào lúc châu Âu đang căng thẳng về vấn đề Ukraine và người di cư.

- Ngăn chặn từ xa bọn Nhà nước Hồi giáo để bảo vệ Nga, đồng thời xích lại gần Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh vào lúc Mỹ giảm hiện diện trong khu vực.

Nga chọn giải pháp tấn công trực tiếp Nhà nước Hồi giáo bởi lẽ Nga muốn đi đầu trong công cuộc chống Nhà nước Hồi giáo, đồng thời muốn bảo đảm lợi ích tại Syria dù có hay không có Tổng thống Bashar al-Assad.

Thời điểm không kích ở Syria đã được Nga chọn vào lúc thích hợp nhất về chính trị. Đó là lúc Tổng thống Putin dự hội nghị LHQ (cuối tháng 9) và trình bày giải pháp quân sự và chính trị cho Syria. Tất cả đều đã được các nhà chiến lược Nga tính trước.

- Ngày 9-10, vệ binh cách mạng Iran thông báo tướng Hossein Hamedani đã tử trận vào tối 7-10 trong trận đánh với Nhà nước Hồi giáo gần tỉnh Aleppo (Syria).

Tướng Hamedani sang Syria làm cố vấn. Đây là sĩ quan Iran cao cấp nhất tử trận tại Syria từ đầu khủng hoảng Syria.

- Nhà nước Hồi giáo ra thông cáo khẳng định đang ở ngưỡng cửa Aleppo (TP lớn thứ hai của Syria). Từ tháng 7-2012, quân đội Syria chỉ còn kiểm soát 50% TP Aleppo. Phần còn lại rơi vào tay quân nổi dậy và các nhóm khủng bố.

- Chiến dịch phản công của bộ binh Syria có máy bay Nga yểm trợ đã mang lại hiệu quả. Theo Sputnik (Nga), ngày 9-10 quân đội Syria đã giải phóng TP Baksa.

Bọn khủng bố Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda) đã chiếm địa bàn này từ tháng 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại