Nga đặt điều kiện với phương Tây giải quyết khủng hoảng Ukraine

Ngày 27/2, Nga tuyên bố sẵn sàng cùng làm việc với phương Tây để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói rằng chính quyền lâm thời của Ukraine không phải là một chính phủ đoàn kết dân tộc mà là "chính phủ của những người chiến thắng" bao gồm cả những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan, đồng nghĩa với việc nó không đại diện cho toàn bộ quốc gia.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo rằng Nga cần tôn trọng chủ quyền của Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại bán đảo Crimea với dân số phần đông là người gốc Nga.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ Pierre-Alain Eltschinger thông báo nước này sẵn sàng đóng băng bất cứ khoản tiền nào của Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych ở trong các ngân hàng Thụy Sỹ. Cũng trong ngày, tư lệnh hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết cả Mỹ và NATO đều không chuẩn bị các kế hoạch về cách thức phản ứng trong trường hợp Nga can thiệp quân sự vào vùng Crimea của Ukraine.

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters và tờ "Nhật báo Phố Wall", Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove - Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu - khẳng định NATO không thay đổi việc triển khai bất cứ khí tài quân sự nào vì tình hình căng thẳng ở Ukraine.

Khi được hỏi liệu ông có quan ngại về khả năng Nga can thiệp quân sự vào Crimea, Tướng Breedlove nêu rõ: "Tất cả mọi người đều có thể lo ngại về điều này, nhưng hiện đó không phải là mối quan ngại chính của tôi... Không ai được hưởng lợi từ sự đối đầu giữa NATO và Nga về Ukraine". Gọi việc chiếm đóng các tòa nhà chính phủ ở Simferopol, Crimea là "tình hình đáng lo ngại", ông Breedlove nói: "Chúng tôi, cũng như tất cả các nước NATO khác, muốn chứng kiến một giải pháp hòa bình cho tình trạng bất ổn ở Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói rằng bằng việc xem xét tình hình ở Ukraine, NATO đã gửi đi một "tín hiệu sai". Trong một diễn biến khác, truyền thông địa phương dẫn lời Đại sứ Ukraine tại Liên minh châu Âu (EU) Kostiantyn Yelisieiev cho biết nước này muốn ký Thỏa thuận Liên kết với EU tại hội nghị cấp cao của lãnh đạo các nước EU vào ngày 20-21/3 tới.

Trả lời trang tin EurActiv trước khi gặp các quan chức cấp cao EU, ông Yelisieiev nói: "Việc ký Thỏa thuận Liên kết sẽ tăng cường sức mạnh của Ukraine trước Nga, nước đang gia tăng sức ép lên chính quyền mới của Kiev". Trong khi đó, đồng Hryvnia của Ukraine đã trượt giá tới 7%, xuống mức thấp kỷ lục do tình trạng bất ổn trước các cuộc tập trận của Nga và việc các tay súng ủng hộ Moskva chiếm giữ các tòa nhà chính phủ trên bán đảo Crimea.

Ngày 27/2, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cho biết Ukraine đã đề nghị IMF hỗ trợ và tổ chức này sẽ gửi một phái đoàn tới Kiev trong những ngày tới. Bà Christine Lagarde nói: “Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng (lời đề nghị của Ukraine) và trong những ngày tới sẽ cử một phái đoàn tới Kiev để có các cuộc đối thoại ban đầu với giới chức nước này”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại