5 năm nội chiến, 5 tháng Nga can thiệp quân sự và giờ các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra. Chỉ đơn giản có vậy.
Tuy nhiên, theo ông Finian Cunningham, thay vì thừa nhận Nga đã hoàn thành sứ mệnh, các phương tiện truyền thông phương Tây lại ngay lập tức suy đoán rằng, tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Putin về việc rút quân Nga khỏi Syria cho thấy sự " rạn nứt " trong quan hệ giữa Moscow và Damascus.
Đây là loại vũ khí truyền thông của phương Tây nhằm làm phân tâm sự chú ý của thế giới để che dấu bản chất thực sự của cuộc nội chiến ở Syria.
Chủ quyền của Syria là nguyên tắc trung tâm, là cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình đang được nối lại tại Geneva tuần này.
Nếu không có sự can thiệp quân sự của Nga, Syria sẽ không có cơ hội để theo đuổi một giải pháp chính trị trên một nền tảng vững chắc như vậy.
Sau gần hai năm Mỹ can thiệp quân sự vào Syria với mục đích “tiêu diệt khủng bố”, chính phủ Syria đứng trên bờ vực sụp đổ. Ngay lúc đó, Nga đã can thiệp và đảo ngược được tình thế trên.
Ông Finian cho hay, rõ ràng, động lực của Nga khi can thiệp vào Syria là để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad và “hất cẳng” khủng bố, còn Mỹ và các đồng minh mới chính là nguồn gốc các mối đe dọa.
Sự can thiệp của Washington và các đồng minh vào Syria mới chính là lời giải thích hợp lý nhất cho tình trạng bạo lực ở quốc gia này.
Cũng theo ông Finian, Mỹ và đồng minh đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, phá hủy cuộc sống của hàng triệu người.
Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình về Syria đang diễn ra ở Geneva, New York Times đã thông tin tới độc giả của mình rằng, cuộc đàm phán này diễn ra trùng hợp với “ngày kỉ niệm 5 năm diễn ra cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, mà sau đó biến thành một cuộc nội chiến và một cuộc chiến tranh ủy nhiệm (cuộc đối đầu giữa các quốc gia không trực tiếp giao chiến) trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Ông Finian nhận định, trên đây là lập luận thường thấy của phương Tây nhằm bóp méo về Syria, trái ngược với các sự kiện thực tế.
Truyền thông phương Tây thường biện minh rằng bạo lực bị kích động sau khi chính phủ Syria đàn áp các cuộc nổi dậy đòi dân chủ. Thứ hai, họ nói rằng, các cuộc xung đột sau đó leo thang thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các chính phủ nước ngoài.
Theo ông Finian, sự thật là, Mỹ và đồng minh đang thực hiện một cuộc tấn công vào Syria và Nga đã giúp Syria ngăn cản các mục tiêu của Washington tại Damascus.
Ông cho rằng, các cuộc biểu tình có quy mô nhỏ ban đầu ở Syria hồi tháng 3/2011 đã bị xâm nhập bởi một nhóm khiêu khích có vũ trang. Những người này đã bắn vào thường dân và các lực lượng an ninh để kích động bạo lực quy mô lớn.
Washington, London và Paris đã có mục tiêu từ lâu về việc thay đổi chế độ ở Syria.
Hồi năm 2007, đại tướng Mỹ về hưu Wesley Kanne Clark, cựu Tư lệnh Các lực lượng NATO ở Châu Âu, đã từng tiết lộ rằng, Syria đã bị Lầu Năm Góc nhắm mục tiêu thay đổi chế độ từ năm 2001 cùng với Afghanistan, Iraq và Libya.
Một bằng chứng quan trọng khác cho thấy kế hoạch này của Mỹ và phương Tây là lời tiết lộ của Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas hồi năm 2013 rằng, hai năm trước khi nội chiến Syria nổ ra, nhiều quan chức Anh đã tới gặp ông để bàn về kế hoạch lật đổ chính quyền Assad.
Theo ông Finian, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ (DIA), trung tướng Michael Flynn, cũng đã từng khẳng định, hồi năm 2012, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã cố tình xúi giục các nhóm khủng bố " thánh chiến "gây bất ổn cho chính quyền Damascus.
Ông khẳng định, cuộc nội chiến, số người chết và sự tàn phá đối với Syria là kết quả của một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thay đổi chế độ ở đất nước này.
Những mưu đồ, bùng nổ bạo lực trong 5 năm qua và những nỗ lực chính trị nhằm lật đổ ông Assad là những bằng chứng rõ ràng nhất về việc Mỹ cùng các đồng minh đã tấn công vào Syria.
Sự can thiệp quân sự của Nga trong 5 tháng qua đã phơi bày bản chất của cuộc xung đột, loại bỏ mối nguy hại của cuộc chiến tranh bí mật do Mỹ hậu thuẫn đối với Syria và thúc đẩy một giải pháp hòa bình. Đó là những thành quả tuyệt vời mà nước Nga đã đạt được, ông Finian kết luận.