Giám đốc xuất bản Stéphane Charbonnier, còn được biết đến với bút danh Charb, là một trong 10 nhà báo/họa sĩ của tạp chí Charlie Hebdo thiệt mạng trong vụ xả súng hôm thứ Tư, 8/1.
Có trụ sở đặt tại Paris, Charlie Hebdo nổi tiếng với những bức biếm họa các nhân vật chính trị và biểu tượng tôn giáo trên thế giới. Từ Vladimir Putin, Barack Obama đến Giáo hoàng hay Chúa Jesus, tất cả đều là đối tượng của tạp chí này.
Từ khi về với tòa soạn năm 2009, Charb đã thổi một luồng gió mới vào những sản phẩm châm biếm của Charlie Hebdo, với những bức biếm họa nhân vật thiêng liêng của người Hồi giáo, nhà tiên tri Muhammad.
Bút danh Charb gắn với những bức biếm họa nhà tiên tri Muhammad, biểu tượng linh thiêng của người Hồi giáo.
Theo Charb, những sản phẩm này không nhằm mục đích phỉ báng Hồi giáo. Mục tiêu của họa sĩ này nhắm đến các phần tử Hồi giáo cực đoan. Chính điều đó đã khiến anh lọt vào "danh sách đen" của các tổ chức khủng bố, trong đó có al-Qaeda.
Năm 2013, Charb đã lọt vào danh sách 10 nhân vật bị al-Qaeda truy nã với mục đích "đem lại công bằng cho nhà tiên tri Muhammad vĩ đại".
Người họa sĩ này cũng không ít lần nhận được những lá thư dọa giết và luôn phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Ông cũng bỏ ngoài tai những lời khuyên cần cẩn trọng đến từ giới chức Pháp và "cương quyết giữ vững quyền tự do ngôn luận chính đáng".
"Nếu người Hồi giáo cảm thấy những bức biếm họa của chúng tôi không có gì hài hước, đấy là quyền của họ. Với tôi, Mohammed không linh thiêng. Tôi sống theo luật nước Pháp, tôi không sống theo kinh Q'ran", Charb từng phát biểu.
Vào năm 2011, Charlie Hebdo cũng đã phải chịu nhiều hậu quả từ những bức tranh về Mohammad của họ. Trang web của tạp chí này nhiều lần bị tấn công, các đơn kiện dồn dập đến từ nhiều tổ chức Hồi giáo, và những lời đe dọa đánh bom.
Nhưng trên tất cả những trở ngại đó, Charb cùng các họa sĩ tại Charlie Hebdo cương quyết không từ bỏ quyền tự do ngôn luận của mình. Sự kiên định của người họa sĩ này được thể hiện rõ trong câu nói với báo Le Monde (Pháp) hai năm trước:
"Tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ" ("je préfère mourir debout que de vivre à genoux").