Mỹ-Úc cùng nhau tuần tra sát đảo nhân tạo phi pháp của TQ?

Thiên Hà |

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã gặp hai người đồng cấp của họ từ Úc tại Boston để bàn thảo việc mở rộng hợp tác ở biển Đông cũng như việc cùng nhau tuần tra sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc (TQ).

TQ đã tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ biển Đông và hồi tuần trước Bộ ngoại giao của nước này còn "mạnh miệng" sẽ "bảo vệ lãnh hải" nếu bất cứ tàu nước ngoài nào di chuyển trong vòng 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong cuộc họp hôm 13.10, vấn đề cùng nhau tuần tra sát đảo nhân tạo phi pháp của TQ sẽ được đưa ra bàn thảo.

Hai nước Mỹ và Úc, là đồng minh lâu năm của nhau sẽ ký một thỏa thuận hợp tác về an ninh quốc phòng mới trong cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và đại diện Úc là Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne.

"Chúng tôi sẽ hoạt động chung với Úc trong một khu vực xác định trên biển Đông", quan chức Quốc phòng Mỹ nói.

"Và chúng tôi đang tìm cách mở rộng các cơ hội để chúng tôi có thể hoạt động cùng nhau".

Vị quan chức Quốc phòng này từ chối bình luận rằng liệu Mỹ có quyết định thực hiện tuần tra ngay trong vòng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp do TQ xây dựng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay không.

"Mọi người biết đấy, việc thách thức trong vòng 12 hải lý là một trong những tùy chọn mà chúng tôi đang xem xét, nhưng chúng tôi không thể xác nhận các hoạt động hiện tại hoặc trong tương lai", ông nói.

"Chúng tôi đang chờ đợi một quyết định chính thức từ Nhà Trắng".

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Mỹ hồi tháng trước rằng: "Mỹ sẽ cho tàu chiến, máy bay tuần tra bất cứ khu vực nào mà công pháp quốc tế cho phép".

Một số nhà phân tích chiến lược tại Washington nói rằng việc tuần tra trên biển Đông ngay trong vòng 12 hải lý của các đảo nhân tạo phi pháp sẽ được tiến hành trong tuần này hoặc muộn nhất là tuần sau.

Bất chấp, Mỹ biết được TQ sẽ phản đối mạnh quyết định của mình.

Mỹ và các nước trên thế giới không công nhận các hòn đảo phi pháp mà TQ xây dựng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam như là một thực thể theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Chính vì thế, việc Trung Quốc ngang nhiên tạo "vùng đệm" 12 hải lý xung quanh các thực thể nhân tạo này là phi lý, thách thức tự do hàng hải trong khu vực, nơi biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng với tổng số lượng hàng hóa đi qua mỗi năm tương đương 5.000 tỉ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại