Mở đầu cuộc họp báo chung, chủ nhà Barack Obama đã khẳng định lại một luật chơi mà Mỹ thường nhắc nhiều gần đây: “Thịnh vượng hơn, an ninh hơn, đó là điều mà sự hợp tác Mỹ - Trung có thể đem lại. Đó là lý do tại sao tôi muốn nhắc lại rằng nước Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc hòa bình, ổn định và phồn vinh, và là một thành tố có trách nhiệm trong các vấn đề của thế giới”.
Có thể xem hai từ khóa “hòa bình” và “có trách nhiệm” mà ông Obama nêu ra là những điều kiện then chốt để cho sự nổi lên của Trung Quốc có thể được “hoan nghênh”.
Dĩ nhiên điều đó cũng ngầm nói rằng nếu sự nổi lên mà không hòa bình, không có trách nhiệm thì sẽ không hoan nghênh.
Đó chính là câu trả lời của ông Obama cho những mời gọi xây dựng “quan hệ nước lớn” được nhắc đến hai lần trong bài diễn văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: (1) “làm việc cùng với Mỹ nhằm xây dựng một mô hình mới về quan hệ nước lớn không có xung đột, không có đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng hưởng lợi, là một ưu tiên trong sách lược đối ngoại của Trung Quốc”; (2) “thúc đẩy mô hình quan hệ nước lớn mới giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Nôm na mà nói, “mô hình mới về quan hệ nước lớn” được hứa hẹn như sau: (1) tôi với anh giao kèo với nhau không đụng chạm, đụng độ nhau; (2) rồi thì tôi với anh cùng “chia” lợi ích.
Việc ông Tập nhắc lại rằng trong chuyến thăm Mỹ năm 2013, ở thượng đỉnh (không chính thức) Sunnylands, hai bên đã “thỏa thuận mở rộng hợp tác” cho thấy vào thời điểm ấy, khi ông sắp sửa bước lên “ngôi cửu trùng” ở Bắc Kinh, ông đã nôn nao mơ tưởng một “mô hình quan hệ nước lớn mới” không tranh của nhau, chia chác thiên hạ như thế nào.
Tiếc thay, ông Obama hay bất cứ một tổng thống Âu - Mỹ nào khác, từ cái nôi lịch sử, văn hóa, chính trị của mình, lại không quen với một thế giới quan tự xem là “nước lớn” như thế rồi tự cho mình cái quyền “hai bên cùng hưởng lợi” trên lưng các nước khác.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945, khi mà nước CHND Trung Hoa chưa ra đời, quan niệm mọi nước bình đẳng, không hề chứa một chữ nào khiến liên tưởng tới chuyện “nước lớn/nước nhỏ”.
Quan niệm “quan hệ nước lớn” kiểu đó chỉ thịnh hành thời phong kiến, mà vào gần cuối trào là các hòa ước Thanh - Pháp liên quan tới... Việt Nam vào cuối thế kỷ 19!
Còn trong thời đại này là Liên Hiệp Quốc cùng các “công cụ” của tổ chức chính thức quy tụ toàn cầu này, trong đó có các tòa án quốc tế vốn đã được nhất trí thành lập để xử lý các đối kháng giữa các nước, bất luận lớn nhỏ.
Chính vì thế, khi ông Tập quả quyết rằng: “Các quần đảo ở Nam Hải (theo cách gọi của Bắc Kinh) từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có quyền duy trì chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi...” thì ông Obama cũng dứt khoát xác định: “Tôi đã gửi đến Chủ tịch Tập những quan ngại đáng kể của chúng tôi về việc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các khu vực tranh chấp, khiến cho các nước trong khu vực khó khăn hơn trong việc giải quyết bất đồng một cách hòa bình.
Và tôi cổ vũ giải pháp (hòa bình) giữa các bên tranh chấp... Chúng tôi không phải là một bên tranh chấp, nhưng điều chúng tôi muốn là đảm bảo rằng các quy tắc của con đường (hòa bình) đó được tôn trọng”.
Biển Đông là một trong những bất đồng mà hai bên đã tốn nhiều thời gian. An ninh mạng cũng thế, mà theo lời ông Obama còn lắm nhiêu khê... cùng các vấn đề khác.
Những ly rượu nâng lên chúc mừng đâu đủ để xóa đi ranh giới từ chính sự khác biệt thế giới quan vốn xuất phát từ hai nền tảng văn hóa, chính trị vốn hoàn toàn khác.
Như nhận xét của ông Obama: “Thật rõ ràng, chúng tôi thừa nhận rằng có những khác biệt thật sự. Và Chủ tịch Tập đã chia sẻ quan điểm của mình về việc làm thế nào có thể cùng đi tới, theo từng bước một…”.