Phát biểu với báo giới ngày 26/8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Victoria Nuland khẳng định Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách hợp tác có lựa chọn với Moskva.
Theo quan chức ngoại giao này, các nhà lãnh đạo hai nước có thể gặp mặt tại phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) vào tháng tới cũng như các sự kiện bên lề khác ở trụ sở tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này tại New York.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tham gia "một số sự kiện đa phương" bên lề phiên họp của ĐHĐ LHQ và một vài sự kiện trong số đó có thể tạo ra cơ hội gặp mặt giữa ông Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Bà Nuland nói thêm: "Điều quan trọng nhất bây giờ, đặc biệt liên quan đến tình hình trên thực địa ở Ukraine vốn đã trở nên nguy hiểm hơn trong vài tuần qua, là chúng ta cần tận dụng khoảng thời gian từ nay đến lúc diễn ra phiên họp ĐHĐ LHQ để trao đổi rõ ràng, tìm cách xoa dịu căng thẳng và hoàn thành việc rút vũ khí hạng nặng theo thỏa thuận Minsk, để chúng ta có thể tiếp tục thực thi phần còn lại của thỏa thuận Minsk".
Quan hệ giữa Nga với Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung hiện đang ở thời điểm thấp nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh đến nay liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Phương Tây cáo buộc Moskva ngầm hậu thuẫn các lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine trong khi Nga kiên quyết phủ nhận. Hai bên đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau.
Trung Quốc khẳng định hợp tác với Mỹ trong các vấn đề toàn cầu
Trong một diễn biến khác, theo Tân Hoa Xã, trong bài viết đăng trên một tạp chí Mỹ số ra ngày 26/8, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng bất chấp các vấn đề nhức nhối thường được giới truyền thông khai thác, hai cường quốc hàng đầu thế giới này vẫn đang hợp tác chặt chẽ trong phần lớn các vấn đề quan trọng khác của thế giới.
Với tựa đề "Trung Quốc và Mỹ: Tập trung vào những gì thật sự quan trọng", bài viết của Đại sứ Thôi Thiên Khải khẳng định mối quan hệ hợp tác song phương này không chỉ xuất phát từ thiện chí mà còn dự trên các lợi ích nền tảng của cả hai nước và trách nhiệm của mỗi nước đối với thế giới.
Đại sứ đề cập tới quyết định mở rộng mang tính lịch sử của Thỏa thuận Công nghệ thông tin (ITA) vừa đạt được hồi tháng 7.
Đây là thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đầu tiên tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong gần 2 thập niên qua, cho phép hơn 200 sản phẩm công nghệ được miễn thuế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thị trường hiện trị giá khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm này.
Theo Đại sứ Thôi Thiên Khải, ITA sẽ khó trở thành hiện thực nếu không có một thỏa thuận then chốt giữa Bắc Kinh và Washington hồi tháng 11 năm ngoái cũng như sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa 2 bên.
Ngoài ra, quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng đề cao sự tương đồng trong chính sách bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu của Washington và Bắc Kinh, sự hợp tác giữa hai nước trong hỗ trợ các nước châu Phi đối phó với dịch bệnh Ebola và trong đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Liên quan tới vấn đề an ninh mạng, Đại sứ Thôi Thiên Khải cho rằng Trung Quốc cũng nằm trong số các mục tiêu mà tin tặc nhắm tới.
Dự kiến, tháng 9 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mỹ và trong bài viết của mình, Đại sứ Thôi Thiên Khải bày tỏ hy vọng lãnh đạo hai nước sẽ đưa ra những đường hướng cụ thể cho mục tiêu xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới vì lợi ích của người dân mỗi nước.