Mỹ - Philippines tập trận, gửi tín hiệu mạnh tới Trung Quốc

Phạm Khánh |

Hôm 4/4, Defend News dẫn lời ông Richard Heydarian, giáo sư khoa học chính trị, Đại học De La Salle ở Manila cho rằng, cuộc tập trận Mỹ - Philippines mang tên Balikatan là nhằm gửi tín hiệu sẵn sàng đối đầu Trung Quốc nếu cần.

Hôm 4/4, hàng nghìn binh sĩ Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung hàng năm như một động thái để thể hiện sức mạnh trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo Defense News, cuộc tập kéo dài 11 ngày mang tên Balikatan (có nghĩa vai kề vai) năm nay dự kiến sẽ cho thấy cách thức Philippines, dù có đang thất bại thê thảm, vẫn có thể chống lại Trung Quốc với sự giúp đỡ của Mỹ, đồng minh lâu năm nhất của nước này.

Balikatan bao gồm các cuộc diễn tập chống lại những tổ chức Hồi giáo cực đoan như Abu Sayyaf của Philippines cũng như mô phỏng việc chiếm lại và bảo vệ lãnh thổ.

Đại úy Celeste Frank Sayson, người phát ngôn của Balikatan, cho biết, Mỹ điều 55 máy bay, còn Philippines điều những chiến đấu cơ nước này mới tiếp nhận để tham gia Balikatan.

Dù chưa thông báo chính xác khu vực diễn ra tập trận, nhưng trong những năm gần đây, Mỹ và Philippines đã tổ chức tập trận chung tại các căn cứ không quân chỉ cách các khu vực tranh chấp ở Biển Đông khoảng 230 km.

Dù cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh ngày càng leo thang, nhưng Philippines cũng như nhiều quan chức Mỹ nhấn mạnh, các cuộc tập trận không nhằm mục đích rõ ràng vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, dưới quan điểm của hầu hết chuyên gia thì không phải như vậy.

Ông Rene de Castro, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila nhận định, các cuộc tập trận dường như có liên quan đến sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Balikatan sẽ diễn ra trong 11 ngày, kể từ ngày 4/4/2016.
Balikatan sẽ diễn ra trong 11 ngày, kể từ ngày 4/4/2016.

Ông nói: "Nhìn vào những thành phần tham gia Balikatan như bệ phóng tên lửa di động, chiến đấu cơ, có thể thấy, liên minh này đang chuẩn bị cho một tình thế phải bảo vệ lãnh thổ".

Ông Richard Javad Heydarian, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila, nói thêm rằng, cuộc tập trận "nhằm mục đích tăng cường khả năng tương tác giữa hai quốc gia đồng minh và gửi tín hiệu sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu cần thiết".

Không chỉ tập trận chung, Philippines còn đang thực hiện nhiều dự án nhằm tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.

Manila đang chuẩn bị cho quân đội Mỹ đồn trú tại 5 căn cứ theo một hiệp ước phòng thủ được ra đời theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tái khẳng định ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Đó là Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao, có hiệu lực từ tháng 1/2016. Trong 5 căn cứ quân sự được đề cập trong hiệp định có 2 căn cứ không quân có vị trí chiến lược gần Biển Đông.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez nói: "Rõ ràng, mục đích của thỏa thuận này là nhằm tăng cường sức mạnh cho không quân”.

Ngoài ra, quân đội Philippines cho biết, Hệ thống Rocket Phóng loạt Cơ động cao (HIMARS), được thiết kế để bắn hạ máy bay, sẽ được gửi đến Palawan, đảo cực tây của Philippines trên Biển Đông, trong khi thời gian diễn ra Balikatan.

Ông De Castro cho hay, Philippines đang tìm cách đối phó với lợi thế quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Nước này đã mua nhiều chiến đấu cơ và tàu chiến của Mỹ.

Theo Defense News, trong những tháng gần đây, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các công trình lớn bao gồm các hệ thống radar, đường băng trên các dải đá ngầm ở Biển Đông, dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Cùng với nhiều hành động khiêu khích khác, việc xây dựng trái phép trên là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại