Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, bà Amy Searight cho biết Washington hoan nghênh nỗ lực kêu gọi của EU nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh hải bằng phương pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.
"Nếu EU có quan điểm rõ ràng hơn về việc ủng hộ các quy tắc pháp luật, mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn", Reuters dẫn lời bà Searight phát biểu trong cuộc thảo luận về chính sách của Mỹ và EU đối với khu vực Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington.
"EU có thể ủng hộ những tuyên bố của Mỹ như yêu cầu ngừng hành động mở rộng khai hoang trái phép và quân sự hóa", bà Searight nói thêm.
Trong khi đó, Phó Trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, ông Michael Fuchs khẳng định cần giảm thiểu những rủi ro làm leo thang xung đột trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngang nhiên xâm chiếm trái phép chủ quyền của các nước láng giềng.
Còn theo đại sứ EU tại Washington, ông David O'Sullivan, đôi khi việc EU và Mỹ cùng ra tuyên bố chung sẽ đem lại lợi ích nhưng đôi khi lại phản tác dụng.
Theo ông O'Sullivan, EU quan ngại về an ninh tại Đông Á và "khu vực này cần thêm các pháo hạm nhưng EU sẽ không hỗ trợ vũ khí để đảm bảo an ninh tương lai của khu vực".
Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, Đô đốc Tomohisa Takei cho rằng các quốc gia châu Á cần cải thiện năng lực hải quân và phối hợp giải quyết căng thẳng trên Biển Đông.
Theo ông Tomohisa, các nước châu Á cần cải thiện quan hệ với Washington giống như "tình đồng minh gắn bó giữa Mỹ - Nhật hay tình hữu nghị với Mỹ".
Nhật Bản, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng lại hưởng lợi ích lớn trong việc duy trì tuyến đường biển chiến lược này được khai thông.
Ngoài ra, Tokyo và Bắc Kinh cũng đang xảy ra tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
"Tôi tin rằng Nhật Bản sẽ đóng góp cả nhân lực và thiết bị nhằm tăng cường năng lực hải quân trong khu vực", ông Tomohisa chia sẻ.
Hồi năm ngoái, Nhật Bản đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và đồng thuận tăng cường quan hệ an ninh với một số quốc gia có cùng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.