Lầu Năm Góc dự kiến triển khai nhiều xe tăng, xe chiến đấu bộ binh cùng những vũ khí hạng nặng khác cho khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại một số nước Baltic và Đông Âu trong bước đi đối phó với điều mà Washington gọi là “sự xâm lược của Nga ở châu Âu”.
Trước mắt, theo đề xuất, một lượng vũ khí đủ dùng cho khoảng 150 binh sĩ sẽ được đưa đến 3 quốc gia vùng Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia. Ngoài ra, một lượng vũ khí cho khoảng 750 binh sĩ sẽ được triển khai ở Ba Lan, Romania, Bulgaria và có thể là Hungary.
Đề xuất trên, nếu được thông qua, sẽ đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đưa vũ khí hạng nặng đến các nước thành viên mới của NATO tại Đông Âu kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Ngoài ra, nó còn là động thái đáng kể nhất của Mỹ và NATO nhằm tăng cường lực lượng tại khu vực, đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Washington sẽ luôn bảo vệ các thành viên NATO ở gần Moscow.
Ông James G. Stavridis, một đô đốc Mỹ về hưu, nhận định kế hoạch trên là một sự thay đổi có ý nghĩa trong chính sách của Mỹ bởi nó giúp các đồng minh thêm yên tâm ngay cả khi số lượng thiết bị quân sự đề xuất không thể sánh bằng những gì mà quân đội Nga có thể đưa đến gần biên giới để đối phó NATO.
Báo The New York Times dẫn lời một số quan chức cao cấp của Mỹ cho biết họ hy vọng kế hoạch này sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Nhà Trắng thông qua trước khi bộ trưởng quốc phòng các nước NATO nhóm họp tại Bỉ trong tháng 6.
Ông Raimonds Vejonis, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ đề xuất mới của Mỹ.
“Nếu có chuyện gì không hay xảy ra, chúng tôi không thể chờ vài ngày hay vài tuần để có thêm vũ khí. Chúng tôi cần phải phản ứng ngay lập tức” - ông Vejonis bày tỏ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak xác nhận đang thương thảo với Washington về việc triển khai vũ khí Mỹ tại lãnh thổ mình.
“Trong các cuộc hội đàm ở Washington vào tháng 5, tôi đã được trấn an rằng quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ sớm được đưa ra. Đây sẽ là một bước đi nữa nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Ba Lan và khu vực” - ông nhận định.
Tuy nhiên, một số thành viên NATO vẫn lo ngại Nga sẽ có hành động đáp trả một khi đề xuất của Mỹ được thông qua.
Ý tưởng đưa thiết bị quân sự đến vùng Baltic và Đông Âu từng được thảo luận trước đó nhưng chưa bao giờ được thực hiện bởi hành động này sẽ bị Moscow xem là sự vi phạm thỏa thuận hợp tác mà NATO và Nga ký năm 1997.
Theo thỏa thuận, NATO cam kết không tăng cường triển khai lực lượng chiến đấu trên bộ lâu dài tại các nước gần biên giới Nga. Ngoài ra, NATO và Nga không coi nhau như kẻ thù.
Tuy nhiên, nhiều thành viên NATO giờ đây cho rằng “những hành động ngày càng khiêu khích” của Nga ở gần biên giới với NATO khiến thỏa thuận này không còn hiệu lực.
Trong bối cảnh đó, đề xuất của Lầu Năm Góc nhận được không ít hậu thuẫn từ nội bộ NATO bởi nỗi lo về “mối đe dọa của Nga”.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin vào tuần rồi đã bác bỏ nỗi lo ngại về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào NATO. “Tôi nghĩ rằng chỉ có kẻ điên hoặc trong giấc mơ mới có thể tưởng tượng việc Nga bất ngờ tấn công NATO” - ông Putin tuyên bố.