Theo bà Susan Rice, mặc dù mỗi một quốc gia có những cách nhìn nhận khác nhau về cách thức giải quyết tình hình Syria nhưng Mỹ hiểu rằng sự tham gia của Nga vào tiến trình chính trị cho cuộc xung đột này là điều cần thiết.
“Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ nhóm họp ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đại điện của các quốc gia chủ chốt trong giải quyết vấn đề Syria nhóm họp tại Vienna (Áo) để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria” - bà Susan Rice trả lời báo chí khi được hỏi về sự phối hợp giữa Nga và Mỹ trong giải quyết vấn đề này.
Theo bà Susan Rice, Mỹ sẵn sàng hợp tác “với tất cả các đối tác then chốt khác”.
“Nga có quan điểm riêng của mình, chúng tôi có quan điểm riêng của chúng tôi và các nước khác cũng có quan điểm riêng của họ.
Các cuộc thảo luận ở Vienna sẽ là cơ hội để chúng tôi có thể tìm ra tiếng nói chung” - bà Susan Rice nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 9/11, Ngoại trưởng Nga Sergay Lavrov tuyên bố rằng các đối tác nước ngoài của Syria là lực lượng đóng vai trò then chốt trong tiến trình chính trị để giải quyết cuộc xung đột tại nước này.
Do đó, cuộc họp sắp tới tại Vienna là “hình thức tuyệt vời” cho tiến trình trên và cho biết Nga mong muốn củng cố và phát triển các hình thức đối thoại như vậy.
Được biết, ngoại trưởng 4 nước gồm Nga, Mỹ, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp tại Vienna trong tháng 10/2015 để thảo luận biện pháp giải quyết tình hình Syria.
Sau đó, theo đề nghị của Nga, tham gia vào các cuộc họp này còn có đại diện của các nước trong khu vực mà có khả năng đóng góp vào việc ổn định tình hình khu vực như Iran, Ai Cập, Iraq, Qatar, Jordan, Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Lebanon cũng như các đối tác ngoài khu vực như Anh, Liên Hợp Quốc, EU, Đức, Pháp, Italia, Trung Quốc, tổng cộng gần 20 quốc gia.
Một phiên họp bàn về vấn đề Syria.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bên khẳng định sự cần thiết phải duy trì sự thống nhất của Syria và các thể chế quốc gia của nước này, tiêu diệt IS và các tổ chức khủng bố khác, hỗ trợ và tiếp nhận dòng người nhập cư đến từ Syria.
Các bên cũng nhất trí rằng số phận Syria phải do chính người Syria quyết định: chính quyền và phe đối lập Syria cần thành lập một chính phủ thống nhất, thông qua Hiến pháp và tổ chức bầu cử.