Mượn cớ đánh cá, Trung Quốc lập mưu ‘gặm cho bằng hết’ Biển Đông

Lấy cớ là “tăng khả năng thực thi pháp luật hàng hải” và “bảo vệ ngư dân”, nhưng lực lượng tàu thuyền mà Trung Quốc xua ra Biển Đông ngày một lớn, phạm vi hoạt động ngày càng rộng và hành động ngày càng hung hăng. Mưu đồ dần dần mở rộng lãnh hải, lãnh thổ bằng tàu cá của Trung Quốc đã lộ diện.

Tàu Ngư Chính 312

Cuối tháng 3/2013, Trung Quốc đã đưa tàu tuần tra ngư nghiệp lớn nhất của họ là Ngư Chính 312 khởi hành từ Quảng Châu đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chiếc tàu này đi cùng với 21 tàu tuần tra lớn nhỏ khác của Trung Quốc và hơn 3.000 nhân viên được giao nhiệm vụ “thực thi luật ngư nghiệp” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hạm đội tàu tuần tra này thuộc Cục Quản lý Biển và Thủy sản Trung Quốc (SSRFAB) kéo ra Biển Đông núp dưới danh nghĩa “hộ tống các tàu đánh cá Trung Quốc” và nực cười thay, thực chất của việc này là hộ tống các tàu đánh cá xâm phạm vùng biển của nước khác một cách trái phép với âm mưu “tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông”.

Trong bài bình luận có tiêu đề “Trung Quốc: Đánh cá để mở rộng lãnh hải” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Á Âu, tác giả Lucio Blanco Pitlo III đã nhận định: Nhờ chính sách “mở rộng phạm vi thực hiện các quyền hàng hải” của Trung Quốc, SSRFAB ngày càng được trao nhiều quyền lực, được trang bị tốt hơn với những con tàu hiện đại và cả những tàu chiến mà Hải quân Trung Quốc đóng mới hoặc hoán cải.

Nhờ sự trợ giúp này mà thời gian qua, tần suất “tuần tra” trên Biển Đông của SSRFAB đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê, tổng số ngày tuần tra kiểu như vậy của Trung Quốc ở Biển Đông đã tăng lên từ mức 477 ngày hồi năm 2005 lên 1.235 ngày trong năm 2009.

Bằng sự hiếu chiến ngày càng tăng này, Trung Quốc đã giảm thiểu được số tàu cá nước này bị láng giềng bắt giữ do xâm nhập lãnh hải có chủ đích, cũng như đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông như thể đó là ao nhà của họ.

Hộ tống tàu cá của mình đi xâm nhập vùng biển nước khác nhưng Trung Quốc còn ngang ngược hơn khi tăng cường bắt giữ, trục xuất tàu thuyền của nước khác với cáo buộc “xâm phạm vùng biển Trung Quốc” bất chấp những tàu thuyền đó đang hoạt động trên ngư trường truyền thống của họ hàng trăm năm qua, hay thậm chí là còn đang trong vùng đặc quyền kinh tế của nước họ.

Tàu cá Trung Quốc co cụm để chống bị bắt giữ khi xâm phạm lãnh hải nước ngoài.

Trong khoảng từ năm 2008-2009, Trung Quốc đã bắt giữ 135 và trục xuất 147 tàu thuyền nước ngoài.  Trong đó, Việt Nam có tới 63 tàu đánh cá và 725 ngư dân của họ đã bị giam giữ bởi Trung Quốc từ năm 2005  đến tháng 10/2010. Ngư dân Philippines từ Tây Bắc đảo Luzon cũng phàn nàn rằng họ không còn có thể đánh bắt ở bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống chỉ  nằm cách đất liền Philippines 124 hải lý.

Tạp chí Nghiên cứu Á Âu bình luận tiếp: Tăng cường tuần tra, xua ngày càng nhiều tàu chiến ra Biển Đông, Trung Quốc còn liên tục đẩy ngư dân của mình xuống xa hơn về phía Nam (Biển Đông) nhằm tránh đụng độ quân sự trong khi vẫn thực hiện được âm mưu mở rộng vùng hiện diện.

Mới đây, nước này đã mở đường cho một trong những đội tàu đánh cá Trung Quốc lớn nhất bao gồm 30 tàu đánh cá (mỗi tàu có công suất 100 tấn) khởi hành từ Hải Nam đến hoạt động liên tục 40 ngày ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, Philippines phát hiện một số tàu đánh cá Trung Quốc và tàu hải giám lảng vảng trong vùng lân cận của bãi Thomas Shoal, một khu vực quân đội Philippines đang kiểm soát.

Không lâu sau đó, Bắc Kinh lên tiếng cho rằng bãi Thomas Shoal là “thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc” và biến vùng biển này thành một điểm nóng tranh chấp mới dù trước đó Trung Quốc chưa bao giờ có sự hiện diện. Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc, tố cáo rằng rằng nhiều tàu cá của họ đã bị Trung Quốc sách nhiễu trong khi đang đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của nước này.

Malaysia cũng bày tỏ lo ngại sau khi phát hiện sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong bãi James và phía bắc bãi cạn Luconia trên Biển Đông được tuyên bố chủ quyền hàng hải Malaysia.

Tất cả những hành động này đã mang về cho Trung Quốc một sự hiện diện lâu dài hơn và sâu rộng ở Biển Đông và những tác động nghiêm trọng trong khu vực. Việc “thực thi các quyền hàng hải, bao gồm đánh cá”, là một trong những chiêu bài để Trung Quốc khẳng định chủ quyền dân sự trên vùng biển tranh chấp.

“Ở thời điểm này, Bắc Kinh có vẻ đang chiếm ưu thế nhưng vấn đề quan trọng hơn là họ sẽ gánh chịu được chi phí lớn đến đâu và duy trì sự hiện diện ảo tưởng đó thời gian bao lâu?”, tạp chí Nghiên cứu Á Âu đặt câu hỏi.

Sức mạnh trên biển của Trung Quốc có thể là một niềm tự hào quốc gia hiện đại, nhưng chính các quốc gia trong khu vực cũng đã nhận ra rằng để đảm bảo sự an toàn cho các ngư dân của họ và thực thi các quyền hàng hải, họ cần nâng cấp hoặc mua mới vũ khí để nâng cao sức mạnh hải quân – diễn biến nguy hiểm có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang.

Các quốc gia trong khu vực cũng đã gấp rút tăng cường sức mạnh hải quân để bảo vệ ngư dân và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Để kết lại bài viết của mình, tạp chí Nghiên cứu Á Âu khẳng định, dù đã quyết định hộ tống ngư dân tiến xa hơn về phía Nam nhưng Trung Quốc cần hiểu rằng càng đi xa, nguy cơ "tai nạn" và "tính toán sai lầm" sẽ tự nhiên tăng lên gấp nhiều lần.

Chính trị hóa hay quân sự hóa việc đánh bắt cá, để khẳng định quyền tài phán không có thực trong vùng biển tranh chấp, sẽ chỉ tạo ra những phản ứng phụ nghiêm trọng. Đặc biệt, sẽ là rất vô nhân đạo khi một kẻ nào đó cố tình đẩy sinh mạng của những ngư dân vô tội vào chỗ nguy hiểm để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại