Yêu cầu của Damascus
Ngay từ cuối năm 2013, chính phủ Syria đã ngỏ ý muốn Ấn Độ ủng hộ về mặt chính trị. Trong chuyến thăm New Delhi vào tháng 11/2013, cố vấn của Tổng thống Bashar al-Assad, ông Bouthaina Shabaan, đã từng nói:
“Chúng tôi muốn Ấn Độ và các nước BRICS (các nền kinh tế mới nổi) đóng một vai trò quan trọng hơn trong các tiến trình chính trị, cũng như triệu tập hội nghị Geneve II và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng”.
Tháng 5/2015, đại sứ Syria tại Ấn Độ, ông Riad Kamel Abbas kêu gọi chính phủ Ấn Độ đóng vai trò hòa giải trong việc giải quyết xung đột giữa nước này với phương Tây.
Cuối tháng 9/2015, ông Abbas một lần nữa kêu gọi New Delhi ủng hộ chính phủ Syria trong cuộc nội chiến ở nước này.
Trả lời tờ Indian Express, đại sứ Syria cho biết: “…Sẽ là quá đủ nếu như Ấn Độ ủng hộ lập trường của chúng tôi trên trường quốc tế. Việc trực tiếp tham chiến chống khủng bố cũng được hoan nghênh nhiệt liệt”.
Sở dĩ Syria cần Ấn Độ bởi New Delhi đang có một vị trí đặc biệt.
Nếu như các nước trực tiếp viện trợ quân sự cho Syria như Nga và Iran từ trước đến nay vẫn có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với phương Tây, thì Ấn Độ lại giao hảo với phương Tây và từ lâu đã có những mối lợi đặc biệt về cả kinh tế lẫn chính trị tại Tây Á và vùng vịnh.
Trong những cuộc chiến ủy thác như tại Syria, sự có mặt của người trung gian hòa giải luôn cần thiết, đặc biệt khi Nga và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu xuống nước rõ ràng trong cuộc chiến tại Syria.
Còn đối với Ấn Độ, lượng lính Ấn tham gia IS sẽ là mối nguy hiểm trong tương lai một khi những người này quay về nước.
Hành động của New Delhi
Theo tờ Haazetz (Israel), Ấn Độ đã và đang có những hành động ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Tháng 2/2011, Ấn Độ bỏ phiếu tán thành một dự thảo thiết lập hòa bình do Liên đoàn Arab đề xướng chỉ ngay sau khi những lời kêu gọi ông Assad từ chức bị bãi bỏ.
Tháng 10/2011, Ấn Độ phản đối một nghị quyết lên án chính phủ Syria tấn công người dân biểu tình. Tháng 11/2013, Ấn Độ tán thành việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria do Mỹ - Nga đề xuất nhằm ngăn chặn Mỹ trực tiếp tấn công Damascus.
Tuy nhiên, cũng nhiều lần nước này bày tỏ quan điểm không can thiệp vào tình hình Syria.
Lý do một phần vì chính sách không can thiệp có từ thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru, và phần khác, theo Haaretz, bởi vùng Tây Á mà Ấn Độ rất coi trọng chủ yếu là lãnh thổ của người Sunni, một trong những lực lượng chống lại chính phủ Assad.
Ấn Độ hiện đang duy trì quan hệ với cả hai phe Iran và các nước vùng vịnh GCC. Nhưng với những diễn biến gần đây tại Trung Đông, rất có thể chính sách mềm mỏng của nước này sẽ không duy trì được nữa.
Hiện tại, Ấn Độ đang tiến hành vận động nhằm trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Cộng với tham vọng nâng tầm ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, có thể đã đến lúc, khi tình hình Syria đang có chuyển biến mạnh mẽ, Ấn Độ lựa chọn cho mình một chính sách đối ngoại rõ rệt.
Vấn đề là khó có thể biết New Delhi sẽ đứng về phe ai. Việc đàm phán thành công thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran đã làm tăng cơ hội gắn kết về kinh tế và chiến lược giữa New Delhi và Tehran.
Bên cạnh đó, trước đây chính phủ Modi từng nhấn mạnh ý định tăng cường hợp tác với GCC và Israel.
Còn trang The Diplomat lại so sánh tuyên bố ủng hộ các cuộc không kích của Nga của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee vào đầu tháng 10 với phát ngôn của Trung Quốc, một nước hiện được cho là có những hành động quân sự tích cực hơn nhằm ủng hộ Tổng thống Syria.