Báo Daily Beast cho biết, đó chỉ là một trong những biểu hiện của cuộc chiến tranh lạnh ngày càng gay gắt giữa Nga và Thổ, hay nói cách khác là giữa lãnh đạo hai nước mà cho tới mới đây vẫn còn là đồng minh thân thiết.
Nhiều năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Recep Tayyip Erdogan đã tìm thấy nhiều lợi ích chung, từ du lịch tới vận tải dầu mỏ, đến mức người ngoài nhìn vào thấy họ gần như không thể tách rời.
Sau đó, ông Putin can thiệp quân sự vào Syria để hậu thuẫn cho Tổng thống Bashar al-Assad - người mà ông Erdogan kiên quyết đòi phải từ bỏ quyền lực.
Đến ngày 24/11, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga ở biên giới Syria.
Từ đây, cuộc chiến tranh lạnh giữa Moscow và Ankara bùng phát. Và cuộc chiến ấy đang ngày càng tồi tệ hơn.
Ngày 17/12, phát biểu tại một cuộc họp báo, Putin tuyên bố ở cấp độ nhà nước, các mối quan hệ giữa hai bên đã bị phá hoại quá mức có thể phục hồi. Ông thậm chí mô tả ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ "quyết định liếm gót người Mỹ".
Ngôn từ thẳng thừng kể trên của ông Putin chỉ là tiếp nối của một cuộc khẩu chiến kéo dài đã nhiều tuần qua.
Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Vladimir Zhirinovsky tuyên bố nếu Ankara "hành động như lưu manh" thì người láng giềng phía bắc sẽ đáp trả bằng việc ném bom hủy diệt, "để một nửa Thổ Nhĩ Kỳ biến thành đống đổ nát".
Kremlin cũng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hết mức có thể. Đầu tiên là cấm du lịch khiến nước này mất đi một nguồn lớn khách tới du lịch và mua sắm hàng giá rẻ là hàng triệu người Nga.
Kế tiếp là cấm nhập khẩu hàng hóa sản xuất và nông sản từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow còn dọa sẽ cắt đứt nguồn cung khí đốt sang Thổ - điều này sẽ rất "đau đớn" vì hơn 50% tổng năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào phía Nga.
Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đất nước nhỏ bé như Grudia hay Ukraina để Moscow có thể trừng phạt tùy thích.
GDP của nước này ngang ngửa của Nga (hai nước ở vị trí 17 và 15 trong bảng xếp hạng toàn cầu). Dĩ nhiên ông Erdogan hết sức tự hào .
Moscow đòi phía Ankara một lời xin lỗi về vụ bắn máy bay. Đây là điều kiện trước tiên để phục hồi quan hệ bình thường. Nhưng Tổng thống Erdogan nhất quyết không nhượng bộ.
Sau đó, cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn khi Moscow cáo buộc các con ông Erdogran dính líu đến nạn buôn bán dầu trái phép của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Phía Ankara kịch liệt bác bỏ điều này.
"Đây là một tình huống bế tắc hoàn toàn", Daily Beast dẫn lời ông Vugar Imanbeyli thuộc Quỹ Nghiên cứu Chính trị, Kinh tế và Xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ban lãnh đạo (Thổ Nhĩ Kỳ) của chúng tôi muốn giải quyết xung đột theo con đường ngoại giao. Họ nói họ muốn ngồi lại và đối thoại với Nga; nhưng dường như ông Putin cố ý làm mọi thứ để leo thang cuộc xung đột".
Nhiều sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ bị đuổi khỏi các trường đại học Nga. Moscow cũng dừng hoặc hủy các chương trình trao đổi với 41 trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây nhất, một tàu khu trục Nga còn bắn cảnh cáo một tàu Thổ Nhĩ Kỳ, viện cớ tránh để xảy ra va chạm.
"Quan hệ giữa Putin và Erodgan đã trở nên xấu đi trong 2 năm vừa qua", Ahmet Han - một chuyên gia thuộc Trung tâm Các nghiên cứu Trung Đông, nhận định với báo Daily Beast.
"Sẽ không có lời xin lỗi nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả khi thương mại dần được cải thiện thì quan hệ Nga - Thổ sẽ không bao giờ trở lại được như trước khi xảy ra cuộc chiến Syria".
Khu Lalelis nên là một trong những điểm dừng chân đầu tiên đối với bất cứ ai quan tâm xem cuộc khủng hoảng Nga - Thổ đang diễn ra thế nào.
Chưa đầy một tháng trước, nơi đây và phần còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mải miết gửi hàng tấn hàng hóa, trang thiết bị và quần áo tới Nga.
Mỗi năm, khoảng 3-4 triệu người Nga tới Istanbul và các bãi biển ở Antalya; mỗi người tiêu khoảng 1.000 USD/hành trình. Nhưng sau đó thì Ankaran bắn hạ máy bay Su-24, và Putin tuyên bố ông thấy bị "đâm sau lưng".
Tuần này ở Laleli, khách bộ hành chỉ vội vã bước qua mà chẳng buồn ghé vào cửa hiệu nào. Các chủ doanh nghiệp "quy tội" cho hoặc Erdogan hoặc Putin đã khiến Laleli nói riêng và toàn bộ quan hệ đối tác Nga - Thổ nói chung nên nông nỗi này.
Nhưng chiến tranh lạnh không chỉ gây thiệt hại cho phía Thổ. Ở Nga, một nhà máy Bosch-Siemens sản xuất máy giặt và tủ lạnh đã đóng cửa.
Cơ sở này không thể hoạt động vì thiếu các linh kiện nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ mà vẫn phải chi trả cho hàng trăm nhân viên.
Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, hàng loạt các công ty vận tải và nhà cung cấp bị mất hợp đồng, mất tiền và công ăn việc làm. Hàng trăm xe tải chở hàng hóa Thổ bị kẹt ở biên giới.