Chỉ tính từ đầu tháng 11 đến nay, Ukraine đã nhận được ít nhất 4 tín hiệu tiêu cực cho thấy dường như EU đang mất dần niềm tin vào giới lãnh đạo hiện nay ở nước này.
Tín hiệu thứ nhất là bản báo cáo của Cao ủy châu Âu về nhân quyền Nils Muižnieks về việc tuân thủ quyền con người ở Ukraine. Tín hiệu thứ hai là bản báo cáo của Nhóm Tư vấn quốc tế (MKG) về việc theo dõi việc điều tra các sự kiện thảm kịch ở Odessa hồi tháng 5/2014.
Tín hiệu tiếp theo là việc EU từ chối cung cấp tài chính cho việc thiết lập Viện Công tố đặc biệt chống tham nhũng. Cuối cùng, EU đã kiểm soát toàn diện vấn đề khí đốt của Ukraine (ít nhất là trong lĩnh vực cấp tiền để Ukraine mua khí đốt).
Điều đáng nói là tất cả các tín hiệu trên đều đến với Ukraine một cách không phải ngẫu nhiên.
Nguyên nhân xuất phát từ chính Ukraine vì sau trong cuộc gặp của lãnh đạo “Bộ tứ Normady” (gồm Tổng thống Nga V.Putin, Thủ tướng Đức A.Merkel, Tổng thống Pháp F.Hollande và Tổng thống Ukraine P.Poroshenko) tại Paris, thủ đô Pháp ngày 2/10 vừa qua, mặc dù vẫn ký vào thỏa thuận chung nhưng ông Poroshenko lại tỏ thái độ phản ứng đối với các sáng kiến của các đại diện EU và ngay khi về đến Kiev, ông Poroshenko đã vi phạm các thỏa thuận mới đạt được tại Paris.
Sự kiện trên, cùng với những gì đang diễn ra thực tế tại Ukraine, dường như đã làm EU thực sự “mệt mỏi”. Giới lãnh đạo EU đã thực sự “ngán ngẩm” bỏ lượng tiền không nhỏ vào Ukraine để giới cầm quyền nước này “xâu xé”.
Giới lãnh đạo EU cũng không thể chấp nhận tình trạng họ cứ đứng ra đảm bảo để Hiệp ước Minsk được thực hiện, trong khi đó lãnh đạo của Ukraine ban đầu thì ký các hiệp ước, thỏa thuận này, sau đó lại làm mọi cách để không phải thực hiện nó.
Chính vì vậy, bản báo cáo được đưa ra ngày 3/11 vừa qua của Cao ủy châu Âu về nhân quyền Nils Muižnieks về việc tuân thủ quyền con người ở Ukraine đã đưa ra những đánh giá được cho là rất thẳng thắn và khá khách quan.
Trong bản báo cáo của mình, Nils Muižnieks đã đụng đến một loạt vấn đề được coi là nhức nhối đối với giới lãnh đạo Ukraine. Cụ thể, Nils Muižnieks đã đề cập đến tình trạng nhân đạo ở miền Đông Ukraine, tình trạng không chi trả lương hưu và các trợ cấp xã hội.
Báo cáo khẳng định: “Gần 5 triệu người đang rất cần sự trợ giúp để đảm bảo các nhu cầu chính của mình. Việc tiếp cận với nguồn nước sạch đang trở thành vấn đề cấp bách đối với 1,3 triệu người… Việc dừng chi trả các khoản trợ cấp xã hội, trong đó có lương hưu cho những người sống ở vùng lãnh thổ ngoài sự kiểm soát của chính quyền trung ương đang thực sự làm cho cuộc sống của những người đang phải gánh chịu nhiều mất mát do xung đột quân sự thêm khốn đốn”.
Theo Nils Muižnieks, chính quyền trung ương Ukraine cần phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các tổ chức nhân đạo để giúp đỡ tất cả những gì cần thiết cho người dân khu vực này vì hiện Ukraine vẫn chưa đạt được bất cứ sự tiến bộ nào trong lĩnh vực này.
Nils Muižnieks cho rằng nếu căn cứ vào Nghị quyết số 2202 do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015 mang tên “Các biện pháp hiện thực hóa Thỏa thuận Minsk”, Ukraine phải khôi phục các quan hệ kinh tế - xã hội, trong đó có việc đảm bảo lương hưu.
Ngoài ra, Nils Muižnieks cũng nêu ra vấn đề cần quy kết trách nhiệm đối với các thành viên của các “tiểu đoàn tình nguyện Tornado và Aidar” vì các tội ác đã thực hiện ở miền Đông Ukraine.
Nils Muižnieks còn cáo buộc chính quyền Ukraine từ chối thực hiện các cam kết của Công ước quốc tế về quyền chính trị và quyền công dân và Công ước châu Âu về quyền con người.
Trong khi đó, các báo cáo của MKG mang tên “Việc điều tra các sự kiện ở Odessa trong tháng 5/2014 không đáp ứng được các yêu cầu của Công ước châu Âu về quyền con người” cũng là tín hiệu xấu đối với chính quyền Kiev.
Theo đó, MKG kết luận rằng việc điều tra đang gặp phải những khó khăn lớn nhưng những khó khăn này, theo MKG, không phải là lý do giải thích cho những thiếu sót của chính quyền Ukraine.
Điều quan trọng là chính quyền Ukraine cần phải phối hợp để việc điều tra được tiến hành phù hợp theo các điều khoản trong Công ước trên.
Ngoài ra, báo cáo này còn khẳng định các cơ quan sức mạnh Ukraine có liên quan trực tiếp đến các thảm kịch xảy ra ngày 2/5/2014 ở Odessa. Do đó, việc điều tra phải được tiến hành một cách độc lập với Cơ quan quốc gia về các tình trạng khẩn cấp và Bộ Nội vụ Ukraine.
Sự kiện thứ ba khiến Ukraine cảm nhận rõ nét sự thay đổi thái độ của EU đối với mình là việc EU từ chối cung cấp tài chính để giúp Ukraine đảm bảo an ninh năng lượng.
Tại Ukraine, người dân vẫn luôn có ác cảm về việc các cá nhân trong giới lãnh đạo nước này đều cố gắng làm giàu cho bản thân thông qua các lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Bản thân EU cũng tin rằng khí đốt hiện là nguồn thu nhập bất hợp pháp của giới lãnh đạo Ukraine. Do đó, trong quá trình cung cấp tín dụng cho Ukraine, Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu muốn tự chọn đối tác cung cấp khí đốt cho nước này.
Dấu hiệu thứ tư cho thấy EU đang thực hiện chính sách mới đối với Ukraine là việc tổ chức này đã từ chối cung cấp tài chính cho việc thành lập Viện Công tố đặc biệt chống tham nhũng với lý do EU đã đánh mất niềm tin đối với quá trình này.
Theo chuyên gia phân tích Denis Denisov, Giám đốc Chi nhánh Ukraine thuộc Viện các nước SNG của Nga, tất cả các sự kiện trên đều là mắt xích trong một chu trình.
Bằng các hành động của mình, EU đang cho thấy quan điểm của mình đối với giới lãnh đạo Ukraine và với đất nước Ukraine đang có sự thay đổi mạnh mẽ và có thể sẽ “buông tay”.
Cả ông Poroshenko lẫn Yatsenuk đều đã có đủ thời gian để chứng minh cho các đối tác phương Tây rằng họ đang mong muốn xây dựng một Ukraine của EU nhưng rõ ràng họ đã không thực hiện được nhiệm vụ này.
Theo Denisov, chế độ ở Ukraine đang bước vào giai đoạn “hoàng hôn”. Vấn đề chính là ở chỗ hiện vẫn chưa có ứng cử viên đủ khả năng để gánh vác nhiệm vụ trên và đây chính là “bi kịch của nhân dân Ukraine”- Denisov kết luận.