Ngay như thành viên Đảng Cộng hòa đang tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 Donald Trump vào ngày 18/12/2015 đã ca ngợi Tổng thống Nga Putin: “Ông ấy điều hành đất nước và là một nhà lãnh đạo, không giống như những gì chúng ta có tại Mỹ”.
Tuy nhiên tỉ phú Trump không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất tại Mỹ.
Vào năm 2013, cựu ứng cử viên tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa Pat Buchanan trên trang mạng cá nhân đã viết: “Ông Putin có thể dự đoán được tương lai một cách rành mạch hơn người Mỹ vẫn theo lối mô hình chiến tranh lạnh”.
Ngoài ra "câu lạc bộ chính trị gia" hâm mộ ông Putin ở châu Âu cũng khá đông đảo. Thủ tướng Hungary Viktor Orban ca ngợi Nga là kiểu mẫu về thành tựu kinh tế. Lãnh đạo Đảng UKIP của Anh Nigel Farage tuyên bố Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo ông ngưỡng mộ nhất.
Người đứng đầu đảng Mặt trận quốc gia Pháp Marine LePen, đảng Tự do Hà Lan Geert Wilders đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu và Mỹ.
Thomas F. Remington, một chuyên gia về Nga và giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Emory (Mỹ) đã đưa ra những lý giải chủ quan của ông về hiện tượng này.
Trong bài viết được đăng trên tờ Foreign Policy, ông Remington thừa nhận: “Trên thực tế, Tổng thống Putin có rất nhiều kỹ năng của một nhà lãnh đạo.
Ông Putin nắm được lượng kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực và có khả năng giải thích những vấn đề khó khăn trở nên dễ hiểu và dễ thuyết phục với công chúng. Vị Tổng thống 63 tuổi là một nhà chiến lược tài ba”.
Đối với nhiều người hâm mộ Tổng thống Putin, ông là “chiếc gương thần” nơi họ có thể thấy sự phản chiếu của chính bản thân.
Một số người đơn giản cảm mến phong cách của nhà lãnh đạo Nga trong khi nhiều người khác lại thấy khâm phục các chính sách của ông, tất cả đã tạo ra tình yêu đặc biệt với nhà lãnh đạo đa tài này.