Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã có cuộc họp với Uỷ ban Kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) để thảo luận về kế hoạch nhằm đảm bảo các lợi ích quốc gia và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Phụ trách Bappenas, ông Andrinof Chaniago cho biết có một số địa điểm để xây dựng căn cứ, đó là những vùng ở Sambas, Tây Kalimantan; đảo Natuna, đảo Riau và Tarakan, Bắc Kalimantan.
Indonesia đã triển khai trực thăng tấn công tới quần đảo gần Biển Đông. Ảnh: wordpress
“Kế hoạch sẽ được trình Tổng thống, người ra quyết định. Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, kế hoạch sẽ được thực hiện”, ông nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu khẳng định, một căn cứ quân sự của Indonesia trong khu vực là nhu cầu cấp bách để đối phó với khả năng xảy ra xung đột trong tương lai.
“Tôi tin rằng việc xây dựng căn cứ quân sự trong vùng Tây Kalimantan là một quyết định rất tốt.
Chúng ta có nguồn tài nguyên và cần phải bảo vệ”, Ryamizard, từng là Tham mưu trưởng dưới thời chính quyền Megawati cho biết.
Tháng 3 năm ngoái, Indonesia đã có động thái “bước ngoặt” khi ra tuyên bố bản đồ đường 9 đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền của TQ chồng lấn với tỉnh Riau của Indonesia, bao gồm chuỗi đảo Natuna.
Hơn 20 năm qua, Indonesia tự xác lập vị thế như một trung gian hòa giải độc lập trong các tranh chấp ở Biển Đông giữa các đối tác ASEAN và Trung Quốc.
Indonesia và TQ không có yêu sách chồng lấn đối với các đảo.
Trước khi rời nhiệm sở vào tháng 10/2014, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ra quyết định triển khai các trực thăng tấn công AH-64 tới quần đảo Natuna - cách khu vực tranh chấp Biển Đông khoảng 200km.
Theo giới phân tích, với quyết định trên, Indonesia đã trở thành một đối thủ tiềm năng mới của TQ ở Biển Đông.
Phó Đô đốc Desi Albert Mamahit - người đứng đầu Cơ quan phối hợp an ninh biển của Indonesia tại một diễn đàn an ninh hàng hải cho rằng, vùng biển bao quanh nhiều hòn đảo của Indonesia (ám chỉ Biển Đông) đang thực sự gặp nguy hiểm trước sự hiện diện theo chiều hướng ngày một xâm lấn của TQ.