Liệu Israel có “nghỉ chơi" với Mỹ để quay sang “ve vãn” Nga?

Phương Lâm |

Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel vẫn chưa xấu đến mức Jerusalem phải bắt tay hợp tác với Moscow ngay lập tức. Tuy nhiên, những dấu hiệu hiện tại cho thấy mối quan hệ này đang rạn nứt nghiêm trọng.

Năm ngoái, các nước phương Tây dành phần lớn thời gian vật lộn tìm cách đối phó với việc Nga sáp nhập Crimea và tình hình chiến sự căng thẳng diễn ra tại miền đông Ukraine.

Chính phủ nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ lên án mạnh mẽ Nga và tổng thống Vladimir Putin, nhưng riêng Israel vẫn giữ thái độ im lặng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc hội đàm tại phòng Bầu Dục, 30/9/2013

Đây không phải lần đầu tiên Israel thể hiện thái độ này. Năm 2008, khi cuộc chiến tranh Nga-Gruzia bắt đầu, Israel đã ngay lập tức cắt giảm viện trợ quân sự đáng kể cho Gruzia và rút các cố vấn quân sự về nước.

Tại sao Israel không lên án hay chỉ trích Nga? Lý do rất đơn giản, bởi vì một ngày nào đó, nhà nước Do Thái có thể cần đến Nga như một đồng minh quan trọng, một khi quan hệ Israel - Mỹ lung lay.

Đây không phải là nguy cơ hiện hữu trước mắt, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.

Bất kỳ nhà lãnh đạo có trách nhiệm nào ở Israel cũng phải thực tế, nhất là khi thế hệ trẻ người Mỹ không còn mặn mà với Israel như thế hệ trước.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ảnh chụp tháng 6/2012

Xét về mặt chính trị, Đảng Cộng hòa Mỹ tỏ ra ủng hộ Israel hơn so với đảng Dân chủ.

Một cuộc thăm dò mới đây của kênh truyền hình CNN cho thấy, đánh giá cuộc chiến mùa hè năm ngoái ở Gaza, chỉ có 45% Nghị sĩ đảng Dân chủ coi hành động của Israel là chính đáng, so với con số 73% của đảng Cộng hòa.

Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển mạnh mẽ, và Israel trở thành một vấn đề thực sự liên quan đến đảng phái ở Mỹ thì tương lai của mối quan hệ Israel - Mỹ sẽ gặp nguy hiểm trầm trọng.

Một số chuyên gia Trung Đông, trong đó có cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk nhận định, mối quan hệ này đang có dấu hiệu rạn nứt.

Trong một bài phát biểu gần đây, ông lên tiếng: "Mối quan hệ Mỹ - Israel rất quan trọng, đóng vai trò cần thiết cho sự tồn tại của Israel. Và mối quan hệ này hiện đang lâm vào tình trạng khó khăn".

Tất nhiên, sẽ là một bước tiến rất lớn của Mỹ, từ cắt giảm hỗ trợ phổ biến cho Israel đến hủy bỏ hoàn toàn trợ giúp cho nước này.

Đây rõ ràng là mục tiêu của những người Mỹ phản đối Israel; thậm chí một số người ủng hộ Israel cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ chấm dứt hỗ trợ cho nhà nước Do Thái.

Nếu điều đó xảy ra, Israel sẽ làm tất cả những gì họ cảm thấy cần thiết để tồn tại, bao gồm cả việc tìm kiếm một người bảo trợ mới.

Và trong số những cường quốc sẵn sàng đảm nhận vai trò đó, Nga là ứng cử viên sáng giá hơn cả.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng có thể là hai phương án để cân nhắc, nhưng đều ít có tiềm năng hơn so với Nga. Ấn Độ có thể tạo lập quan hệ đối tác chiến lược với Israel, nhưng số lượng dân số Hồi giáo khổng lồ của Ấn Độ có thể là một rào cản đáng lo ngại.

Một Trung Quốc “thèm thuồng” tài nguyên cũng khó có thể tạo dựng quan hệ thân thiết với Israel, khi điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho quan hệ của Bắc Kinh với các cường quốc dầu mỏ là kẻ thù của Israel.

Trong khi đó, Nga lại hoàn toàn có thể giữ vị trí đối tác trọng yếu của Israel.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, bao gồm cả khoáng chất và các nhiên liệu hóa thạch, Nga không cần để mắt đến nguồn dầu  mỏ của Israel.

Do đó, xét về tương quan, quan hệ thân thiết với Israel sẽ ít gây tổn hại cho Nga hơn so với Trung Quốc.

Kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Israel đã trở thành nơi cư trú của hơn 1 triệu người Do Thái đến từ Nga, Ukraine, Belarus, Gruzia và 11 bang khác từng thuộc Liên bang Xô Viết.

Điều đó đã tạo ra một mối quan hệ văn hóa và ngôn ngữ mật thiết giữa Israel và những khu vực này, đặc biệt là Nga.

Đối với Nga, một mối quan hệ chặt chẽ với Israel sẽ là một lợi thế. Israel vẫn là quốc gia ổn định nhất và có tiềm lực quân sự mạnh mẽ trong khu vực được coi là cực kỳ quan trọng đối với Nga.

Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ của Israel trong những năm gần đây một phần dựa vào sự phát triển như vũ bão của lĩnh vực công nghệ.

Do vậy, Israel sẽ là một đối tác tuyệt vời cho một nước Nga đang oằn mình gánh chịu lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

Nhưng lợi ích thực sự mà Nga có được từ mối quan hệ chặt chẽ với Israel là chính trị.

Nếu Nga công bố hành động chính đáng khi chung vai cùng Israel trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố thánh chiến ở Trung Đông, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại Nga, hay kêu gọi các nước đồng minh trong NATO chống lại quốc gia này.

Về phía Israel, lợi ích mà nước này nhận được trong mối quan hệ Israel – Nga phức tạp hơn. Một mặt, quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga sẽ mang lại cho Israel một đảm bảo an ninh tương đương Mỹ, nhưng những hỗ trợ về mặt ngoại giao sẽ ít hơn.

Việc Nga hỗ trợ Israel sẽ ít gây ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế, trừ trường hợp Nga có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có quyền phủ quyết nghị quyết của Hội đồng này nhằm chống lại Israel.

Bên cạnh đó, Nga sẽ ít có khả năng gây áp lực với Israel để tiến tới một giải pháp hòa bình với người Palestine hoặc đưa ra bất kỳ trở ngại nào ngay cả khi bạo lực bùng lên giữa Israel và Palestine.

Đây sẽ là một tín hiệu tốt cho các phần tử hiếu chiến của Israel, nhưng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tình trạng nhân quyền trong khu vực cũng như cho bất kỳ hy vọng đạt được hòa bình giữa Israel và các nước láng giềng, đặc biệt là giải pháp cho căng thẳng giữa Israel và Palestine.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel vẫn chưa xấu đến mức Jerusalem phải bắt tay hợp tác với Moscow ngay lập tức.

Tuy nhiên, những dấu hiệu hiện tại cho thấy không khó để tưởng tượng những thay đổi của mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia này trong vòng 5-10 năm tới.

Trên trường chính trị quốc tế, liên minh chỉ kéo dài chừng nào mối quan hệ này còn mang lại lợi ích cho các nước liên quan; và trong mối quan hệ giữa Mỹ - Israel, ngày càng nhiều người đặt dấu hỏi về lợi ích hai bên đạt được ở thời điểm hiện tại so với thời điểm nửa thế kỷ trở về trước.

Sự xuất hiện của trục mới, Moscow - Jerusalem, sẽ làm thay đổi đáng kể cục diện chính trị ở Trung Đông, và nhiều khả năng tình hình bạo lực tiếp tục gia tăng.

Điều này không có lợi cho Mỹ, nhưng cũng không phải một kịch bản lý tưởng cho Israel. Nước giành lợi thực sự là Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại