Lệnh ngừng bắn bị vi phạm 1.000 lần, Tổng thống Obama sẽ làm gì?

Đức Huy |

Dự luật trang bị vũ khí sát thương cho quân đội chính phủ Ukraine đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn từ nhiều tháng trước, nhưng Tổng thống Obama vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Những ngày gần đây, theo các nguồn tin của tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phải chịu rất nhiều áp lực đến từ đông đảo nghị sĩ lưỡng viện, yêu cầu ông gửi vũ khí sát thương cho quân đội chính phủ Ukraine.

Tuy nhiên, ông Obama vẫn giữ nguyên lập trường động thái này sẽ không đem lại hiệu quả cho tình hình Ukraine.

Trong cuộc họp của Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện hôm thứ ba (10/3) vừa qua, nghị sĩ lưỡng viện đã nhất trí sẽ tiếp tục thúc giục Nhà Trắng chính thức phê chuẩn dự luật trang bị vũ khí sát thương cho quân chính phủ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, và Giám đốc Tình báo James Clapper cũng nằm trong số những quan chức cấp cao ủng hộ gửi vũ khí cho Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Obama vẫn chần chừ chưa muốn đặt bút phê chuẩn dự thảo nói trên. New York Times cho biết, ông vẫn muốn dành cơ hội để thỏa thuận Minsk phát huy hiệu lực, dù cho đến nay đã có không dưới 1.000 lần lệnh ngừng bắn bị vi phạm.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng phải cân nhắc việc có thể làm "phật ý" các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức, những nước vẫn cương quyết phản đối hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.

Liệu ông Obama có dám làm phật ý bà Merkel và trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine?

Liệu ông Obama có "dám" làm phật ý bà Merkel và trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine? Ảnh: AFP

Theo bà Victoria Nuland, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Obama sẽ theo dõi sát sao tiến trình thực thi thỏa thuận Minsk, từ đó đưa ra quyết định có can dự vào chiến sự miền đông Ukraine hay không.

"Trong những ngày tới - ngày chứ không phải tuần, đây là những gì chúng tôi cần: Tuyệt đối không có tiếng súng nổ tại miền đông Ukraine, quyền tự do đi lại trên khắp khu vực giao tranh, và vũ khí hạng nặng được thu hồi hoàn toàn" - bà Nuland phát biểu.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, trong nội bộ Nhà Trắng cũng đang có những bất đồng xung quanh việc trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine. Đây cũng là một phần lý do tại sao Tổng thống Obama vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, theo đại đa số các Thượng nghị sĩ, hệ quả của sự chần chừ cũng không khác mấy so với việc từ chối không gửi vũ khí cho Kiev.

Một quan chức cấp cao giấu tên cho biết, trong một cuộc đối thoại gần đây giữa ông Obama và một lãnh đạo nước ngoài, Tổng thống Mỹ đã tiết lộ rằng việc nghe theo giải pháp phi quân sự của bà Merkel chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

"Trong tương lai, Mỹ sẽ phải tự đưa ra phán quyết dựa theo những đánh giá của chúng tôi về hiệu quả của thỏa thuận Minsk" - quan chức này phát biểu với New York Times.

Chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận Minsk chính thức có hiệu lực, phe ly khai đã chiếm thành phố Debaltseve từ tay quân đội chính phủ Ukraine.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, bạo lực đã dịu đi trông thấy, một số loại vũ khí hạng nặng đã được thu hồi, một tâm lý lạc quan nhất định đang dần xuất hiện tại Kiev và trên khắp các nước châu Âu.

Dẫu vậy, các quan chức Nhà Trắng vẫn hoài nghi về độ xác thực của các bản báo cáo từ miền đông Ukraine. Họ cũng cho rằng, sẽ phải mất thêm một thời gian nữa trước khi Tổng thống Obama chính thức đưa ra quyết định của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại