Lầu Năm Góc xét lại kế hoạch chống Nga: “Rung cây dọa khỉ?”

Đức Dũng |

Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét lại kế hoạch hành động quân sự chống lại Nga có cân nhắc đến "thực tế địa chính trị mới" và đang xem xét các kịch bản hành động đáp trả "nếu xảy ra các trường hợp khiêu khích chống lại bất kỳ đồng minh nào của NATO".

Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét lại kế hoạch hành động quân sự chống lại Nga có cân nhắc đến "thực tế địa chính trị mới" và đang xem xét các kịch bản hành động đáp trả "nếu xảy ra các trường hợp khiêu khích chống lại bất kỳ đồng minh nào của NATO", trong đó có các cuộc tấn công vào không gian mạng.

Nhưng các chuyên gia quân sự tin rằng, thông báo này mang tính khoa trương hơn là thực tế.

Khoa trương…

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn từ tạp chí Foreign Policy cho biết, các nhân viên đã từng và hiện đang làm việc tại Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định "Lầu Năm Góc đang giũ bỏ sự khoa trương và xem xét lại kế hoạch bằng cách thay đổi để những kế hoạch này phản ánh đúng thực tế địa chính trị".

Theo Foreign Policy, các kế hoạch này có hai phương án phát triển sự kiện: các hành động của Mỹ trong khuôn khổ của NATO và ngoài khuôn khổ của NATO, bao gồm khả năng triển khai các cuộc tấn công mạng.

Foreign Policy trích dẫn ý kiến của cựu Phó cố vấn của Tổng thống về vấn đề an ninh quốc gia Julia Smith cho biết: "Lầu Năm Góc đang cố gắng xác định những trường hợp mà sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công không gian mạng".

Theo bà, "hiện đang diễn ra một cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề này".

Trong khi đó, tổng thanh tra Lầu Năm Góc cho biết do "những nỗ lực ngày càng cao" của Moscow ở châu Âu và Trung Đông nên ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ được xem xét lại.

Đáng lưu ý là, tờ Quan điểm (Nga) từng đưa tin về việc Mỹ tăng chi tiêu quân sự do "hoạt động ngày càng gia tăng của Nga ở châu Âu và Trung Đông.

Đề án chung về việc tăng ngân sách quân sự của Mỹ đến 547,3 tỷ USD vào năm 2017 (tăng hơn 13 tỷ so với năm 2016) đã được phê duyệt vào đầu năm 2015.

Khi đó đã diễn ra một loạt các cuộc họp giữa đại diện của Lầu Năm Góc với các thành viên châu Âu thuộc NATO, trong đó người Mỹ kiên trì thuyết phục các nước châu Âu đẩy mạnh hơn nữa việc tăng chi tiêu quốc phòng, "để đảm nhận một phần trọng trách đảm bảo an ninh châu Âu.

Người ta chỉ đem Nga ra để đe dọa, mà quên bẵng đi "tên lửa của Iran".

… và thực tế

Cần lưu ý rằng, bất chấp lời lẽ hiếu chiến của một số tướng lĩnh Mỹ, Lầu Năm Góc đã chính thức thông báo về khả năng nối lại liên lạc với Nga.

Điều này đã được Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook xác nhận tại cuộc họp báo vào hôm thứ Năm, ngày 17/9.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter "kể từ khi nhậm chức, chưa hề liên lạc" với người đồng cấp Nga bởi vì "không coi các cuộc tiếp xúc đó là mang tính xây dựng".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thay đổi quan điểm của mình hay không thì kết quả tổng quan của tình hình hiện nay đã nói lên tất cả.

Ngay ngày hôm sau đã diễn ra các cuộc đàm thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đứng đầu Lầu Năm Góc Mỹ Ashton Carter.

Vào ngày 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu về tình hình ở Syria.

Theo Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook, cuộc nói chuyện của họ kéo dài khoảng 50 phút và mang tính xây dựng.

Theo ông này, trong cuộc trò chuyện, ông Carter bày tỏ quan điểm rằng, cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria cần diễn ra song song với quá trình chuyển đổi chính trị trên đất nước này.

Hai nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ và Nga đã "nhất trí tiếp tục thảo luận về các cơ chế nhằm chấm dứt xung đột ở Syria và chiến dịch chống IS", thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu

Đây là cuộc đàm thoại đầu tiên giữa ông Carter và ông Shoigu, kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhậm chức vào tháng 2 năm nay.

Lần cuối cùng các nhà lãnh đạo cơ quan quân sự của hai  nước thảo luận với nhau là vào tháng 8/2014. Khi đó, đứng đầu Lầu Năm Góc là Bộ trưởng Chuck Hagel.

Sau đó, quan chức quốc phòng Mỹ đã ngừng liên lạc với Nga do những sự kiện ở Ukraine, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, trong trường hợp cần thiết, điều này không cản trở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đàm thoại với người đồng cấp Nga.

Về phần mình, cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng, "trong cuộc trò chuyện kéo dài gần một giờ, các Bộ trưởng đã thảo luận chi tiết về tình hình ở Trung Đông nói chung và tình hình ở Syria và Iraq nói riêng".

"Trọng tâm cuộc thảo luận đặc biệt chú ý đến sự cần thiết phối hợp các nỗ lực song phương và đa phương để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế", cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ lại cho rằng, các cuộc điện đàm không có nghĩa là nối lại liên lạc.

"Cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu không có nghĩa là hai nước nối lại liên lạc ở góc độ quân sự", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Toner nói.

"Như các bạn biết, chúng tôi đã ngừng liên lạc và hợp tác quân sự với Nga để đáp trả việc Nga giành giật bất hợp pháp và cố gắng sát nhập Crimea - và điều này vẫn đang còn hiệu lực", - ông Mark Toner nói.

Ông cũng cho biết Washington muốn "nhìn thấy các cơ chế (để chấm dứt xung đột tại Syria) bằng hành động”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Quan điểm của Nga, chuyên gia quân sự, trưởng ban biên tập tạp chí Arsenal Otechestva Victor Murakhovski nhấn mạnh rằng, quan điểm thể hiện trên tờ tạp chí Mỹ ảo hơn là thực.

"Nếu nhìn vào số lượng thực tế các lực lượng và phương tiện thì chúng ta sẽ thấy rằng, Lầu Năm Góc đang dần di chuyển quân đội sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc đã bố trí lực lượng rất mạnh tại khu vực này, ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Như vậy, Lầu Năm Góc đang điều động quân đội sang châu Á", chuyên gia quân sự cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, mối đe dọa tấn công mạng từ phía Moscow là sự bịa đặt.

"Tôi muốn nhắc lại rằng, Mỹ là nước đầu tiên thành lập một đơn vị đặc biệt về an ninh không gian mạng. Chúng tôi không hề có điều này".

Ông Murakhovski cũng nhấn mạnh rằng, tuyên bố của Bộ Ngoại giao về việc chưa phục hồi liên lạc quân sự với Nga là luận điệu chính trị.

“Quan chức quân đội Mỹ là những người thực dụng, họ nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Trung Đông. Họ hiểu rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Nga thì không thể đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Bộ Quốc phòng Mỹ quan tâm đến việc phối hợp với Nga trong các vấn đề liên quan đến nhiều khu vực khác nhau trên thế giới", chuyên gia kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại