Những thông tin trên đã được phân loại là “tuyệt mật” theo yêu cầu của FBI và điều này khiến dư luận càng quan tâm hơn đến trách nhiệm của bà Hillary khi xử lý những thông tin nhạy cảm liên quan tới công việc bằng tài khoản thư cá nhân - điều không được chấp nhận đối với quan chức ngoại giao Mỹ.
Quyết định dùng tài khoản email cá nhân thay vì dùng tài khoản email của Bộ Ngoại giao đã trở thành một vấn đề chính trị cho bà Hillary, khiến phe Đảng Cộng hòa khi điều tra về những vụ tấn công ở Benghazi đã quy kết rằng bà che giấu thông tin và cố tình tránh né những tiêu chuẩn giám sát.
Trong buổi vận động tranh cử ở New Hampshire hôm 22-5, Hillary Clinton nói rằng bà ý thức được việc FBI muốn một số email của bà phải được phân loại, nhưng bà khẳng định “điều đó không thay đổi thực tế rằng tất cả thông tin trong các email của tôi đã được nộp đúng quy định”.
Bà cũng tâm sự rằng bản thân bà không cảm thấy phiền hà vì đó là những email trong tài khoản cá nhân.
Hầu hết các email của bà Hillary bàn về những vấn đề của chính phủ cấp cao như nội dung họp báo, bản thảo bài phát biểu, điều phối những cuộc điện đàm với các quan chức cấp cao khác. Bà Hillary từng nói rằng máy vi tính cá nhân ở nhà bà “có rất nhiều lớp bảo vệ”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu hệ thống máy vi tính ở nhà bà Hillary có dùng phần mềm mã hóa để đảm bảo an ninh khi trao đổi email với Chính phủ hay không, vì phần mềm này có thể bảo vệ những cuộc trao đổi của bà khỏi con mắt tò mò của những điệp viên nước ngoài, tin tặc hay bất kỳ ai trên internet.
Năm ngoái, bà Clinton đã nộp cho Bộ Ngoại giao 55.000 trang email đã được bà gửi đi từ tài khoản email cá nhân kể từ khi đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Nhưng 296 email (khoảng 900 trang) liên quan đến vụ tấn công các quan chức ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012 thì mãi đến hôm 22-5 vừa qua mới được Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, trong đó có những email liên quan đến việc Đại sứ Mỹ Chris Stevens bị giết chết trong vụ tấn công ở Benghazi.
Nhiều email trong tài khoản cá nhân của bà Hillary có liên quan đến vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012. Ảnh: Reuters
Sau khi Chris Stevens qua đời, phụ tá cũ của bà Hillary là Jake Sullivan đã chuyển tiếp (forward) cho bà một email mà Christian Brose – cố vấn hàng đầu của Thượng nghị sĩ John McCain- đã gửi cho Sullivan với nội dung:
“Thật là một lời tuyên bố tuyệt vời, mạnh mẽ và xúc động từ sếp của ông. Xin hãy nói với bà ấy rằng Thượng nghị sĩ McCain cũng rất cảm kích điều đó, và tôi cũng vậy”.
Nội dung các email cũng chứa đựng những lời cảnh báo lặp đi lặp lại về tình hình bất ổn tại Libya, dù rằng Hillary đã khẳng định bà chưa bao giờ liên quan cá nhân đến những vấn đề an ninh tại Benghazi trước khi xảy ra vụ tấn công năm 2012.
Có một email mô tả lại chuyến đi trong 1 ngày của Đại sứ Chris Stevens vào tháng 3-2011 để “nắm tình hình tại thực địa” và chuẩn bị cho việc ở lại đây 1 tháng trong tương lai.
Theo nội dung các email, Đại sứ Stevens cũng có đề nghị được hỗ trợ thêm từ phía Bộ Quốc phòng nhưng chưa được chấp thuận. Ông bị giết tại Benghazi vào ngày 11-9-2012.
Vào đầu tháng 4-2011, bà Hillary cũng đã được các phụ tá chuyển tiếp cho một email nói về Libya, trong đó tình hình tại nước này vào thời điểm đó được mô tả xấu đến mức “Đại sứ Stevens phải cân nhắc việc rời khỏi Benghazi, và thư này được đánh dấu là “vô cùng quan trọng”.
Các email cũng tiết lộ một phần về cuộc sống đời tư của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ, bao gồm cả thói quen nghe tin tức trên đài radio của bà, những lời khen bà nhận được từ một đồng nghiệp về một bức ảnh chụp thần thái của bà trong một cuộc họp báo cũng như những cuộc nói chuyện phiếm về mua sắm giữa bà với cố vấn thân cận Huma Abedin.
Bức ảnh chụp bà Hillary được đồng nghiệp của bà khen ngợi. Nguồn: New York Times