Tờ Chosun Ilbo hôm 28/8 cho hay, kể từ sau hội nghị Quân ủy Trung ương Triều Tiên mở rộng được triệu tập khẩn cấp tối 20/8 đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã hơn 1 tuần không xuất hiện công khai trên truyền thông.
Theo Chosun, việc ông Kim cũng không tham dự hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Songun - vốn là ngày tôn vinh chính sách đặt quân sự lên trên hết của cố lãnh đạo Kim Jong-il - hôm 24/8 vừa qua là điểm đáng ngờ nhất.
Sau khi cuộc tiếp xúc của các quan chức cấp cao Triều Tiên-Hàn Quốc hồi tuần trước đi đến thỏa thuận chung, Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong So và Bí thư Trung ương đảng Lao động Kim Yang Gon đều xuất hiện trên truyền thông nước này.
Các ông Hwang và Kim lần lượt bảy tỏ lập trường đối với thỏa thuận Hàn-Triều. Tuy nhiên, Chosun cho rằng, việc Kim Jong Un không hề lộ diện kể từ ngày xảy ra sự kiện "đấu pháo" hôm 20 là biểu hiện cho thấy nhà lãnh đạo này "đang lo lắng".
Theo tờ báo Hàn Quốc, trong nội bộ giới lãnh đạo Triều Tiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều đối với vụ nổ mìn ở khu phi quân sự khiến 2 binh sĩ Hàn thiệt mạng (mà Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau), nã rocket sang căn cứ Hàn và cả cuộc hội đàm ở Bàn Môn Điếm vừa qua.
Thậm chí, Chosun khẳng định đã có đánh giá rằng "chiến thuật khiêu khích Hàn Quốc mùa hè 2015" của Triều Tiên đã "kết thúc thất bại".
Báo chí Hàn Quốc cho rằng thỏa thuận Bàn Môn Điếm mới đây đã phần nào tổn hại thanh danh Kim Jong Un, buộc nhà lãnh đạo này phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ.
Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng không ngờ đến Seoul sẽ tái khởi động chương trình tuyên truyền chống Triều bằng loa phóng thanh.
Việc Bình Nhưỡng đã đáp trả bằng nã pháo và tuyên bố "tình trạng chiến tranh" được phía Hàn Quốc đánh giá là đã diễn biến leo thang khiến quân đội Mỹ điều động máy bay ném bom tàng hình B-2 vào khu vực bán đảo Triều Tiên.
Chosun Ilbo bình luận, cuộc đàm phán "marathon" mới đây đã làm nguy cơ chiến tranh trên báo đảo tạm lắng xuống, nhưng kết quả là "sự tổn hại thể diện nghiêm trọng đối với 'tôn nghiêm tối cao' của ông Kim Jong Un".
Việc không lộ diện "bằng hình ảnh" cho thấy ông Kim đang tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ "hậu xung đột biên giới Hàn-Triều".
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm 28/8 thông báo ông Kim "cách chức một số thành viên Quân ủy Trung ương" trong một cuộc họp sau đàm phán Hàn-Triều được cho là phản ánh phần nào các vấn đề của Bình Nhưỡng.
Phía Hàn Quốc cho rằng, Kim Jong Un sẽ tiếp tục "ra tay" khiển trách và xử lý các tuyến công tác đối với Hàn Quốc trong thời gian tới.
Hồi năm 2014, Kim Jong Un từng "mất tích" trên truyền thông Triều Tiên trong 40 ngày liên tục, khiến dư luận quốc tế "sôi sục" với nhiều giả thuyết, đồn đoán.