Mối quan hệ giữa 2 "quyền lực" triều Thục Hán
Năm 228, cuộc Bắc phạt lần 2 của Thục Hán bắt đầu. Thục vây Trần Thương, nhưng về sau buộc phải lui binh do cạn kiệt lương thảo.
Sang năm Kiến Hưng thứ 7 (229), cuộc Bắc phạt lần 3 mở ra, Gia Cát Lượng phái đại tướng Trần Thức tấn công Vũ Đô, Âm Bình của Ngụy.
Thứ sử Ung Châu Quách Hoài lĩnh binh nghênh chiến, bị Lượng đánh bại và đoạt được 2 quận. Cùng năm, hậu chủ Lưu Thiện sắc phong Lượng làm Thừa tướng.
Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm Khổng Minh Bắc phạt, hầu như không thấy "bóng dáng" Lý Nghiêm - nhân vật số 2 được Lưu Bị ủy thác phò tá Lưu Thiện, đồng thời là đại diện tập đoàn Ích Châu trong triều đình Thục Hán.
Tuy vậy, sử liệu Trung Quốc ghi lại cho thấy, trong lúc Gia Cát Lượng chinh chiến, Lý Nghiêm cũng không nhàn rỗi. Ông tích cực kích động tướng tướng Ngụy Mạnh Đạt tạo phản, quy hàng Thục.
Trong thư chiêu hàng Mạnh Đạt, Lý Nghiêm từng viết - "Ta và Khổng Minh cùng được (Lưu Bị) phó thác, trọng trách nặng nề", cho thấy Lý Nghiêm không hề quên địa vị chính trị trọng yếu của mình là "người được ủy thác" ngang hàng với Lượng.
Dù không có nhiều tư liệu liên quan đến Lý Nghiêm trong 3 lần Bắc phạt đầu tiên của Khổng Minh, nhưng nhiều học giả nhận định, việc "quyền lực số 2" không tham gia chiến sự là điều bất thường.
Bản thân Lý Nghiêm thực tế cũng không ít lần tỏ ý bất mãn, và từng có những chiêu "phản kích ngầm" đối với Gia Cát Lượng.
Trong một bức thư gửi Khổng Minh, Nghiêm viết - "Khuyên Lượng nên nhận Cửu Tích (vua ban), tấn tước xưng Vương".
Thư này được cho là tương đồng với lá thư của Tôn Quyền "dụ" Tào Tháo xưng đế, nhưng cũng rất khó khẳng định Lý Nghiêm muốn đẩy Khổng Minh ra hứng "búa rìu dư luận", hay chỉ đơn thuần châm biếm Lượng.
Dù sao, Khổng Minh cũng tỉnh táo trước đòn tâm lý này, và tỏ ý không mắc lừa Lý Nghiêm.
"Ta vốn là kẻ hạ sĩ phương Đông, vô dụng với Tiên đế, lại được quyền cao chức trọng, bổng lộc trăm ức.
Nay thảo phạt (Tào) tặc chưa xong, lại ngồi ngôi cao Tề Tấn (thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công từng làm bá chủ chư hầu), thực không hợp tình nghĩa.
Nếu diệt Ngụy trảm (Tào) Duệ, thì dù vua phong cố cư, cùng con cháu hưởng lộc mười lần cũng có thể nhận, huống gì Cửu Tích". (trích "Tam Quốc chí - Thục thư - Lý Nghiêm truyện").
Theo một số học giả hiện đại, lời nói của Khổng Minh có điểm mâu thuẫn, khi ban đầu tỏ ra khiêm tốn, bằng lòng với địa vị "đừng đầu quần thần", nhưng câu sau lại nói sẵn sàng xưng Vương nhận lễ Cửu Tích vua ban.
Vào thời Tam Quốc, việc vua ban Cửu Tích (lễ vật) đồng thời phong đất cho chư hầu vẫn được xem là "cảnh giới tối cao" mà một người bên ngoài Hoàng tộc có thể đạt được trong sự nghiệp chính trị.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, một câu nói như vậy không giống với tác phong "cẩn thận khiêm cung" thường thấy ở Khổng Minh, nhưng lại phần nào bộc lộ được tư tưởng và cá tính chân thực của ông.
Mặc dù Gia Cát Lượng cự tuyệt lời đề nghị của Lý Nghiêm, song cũng để lộ ra thái độ ngạo mạn và đôi chút xem thường đối với hậu chủ Lưu Thiện.
Bản thân tác giả "Tam Quốc Chí" là sử gia Trần Thọ cũng có đánh giá được cho là xác đáng về Khổng Minh.
"Tam Quốc Chí - Thục Thư - Gia Cát Lượng truyện" có ghi - "Lượng có chí lớn, tiến thì khí khái uy vũ, hoài bão Tứ Hải, thoái thì vượt qua biên cương, chấn động thiên hạ.
(Lượng) tự cho là khi mình qua đời, (Thục) khó có khả năng tiến quân Trung Nguyên, đối địch với nước lớn".
Khổng Minh không chỉ có hoài bão lớn, mà lòng tự tôn cá nhân cực cao. Diễn biến cuộc đời ông quả thực cũng không nằm ngoài đánh giá của Trần Thọ.
Đấu đá nội bộ giữa Khổng Minh và Lý Nghiêm
Năm Kiến Hưng thứ 8 (230), tướng Ngụy Tào Chân dẫn 3 lộ đại quân đánh Thục. Gia Cát Lượng vừa chống Ngụy, đồng thời chuẩn bị cho lần Bắc phạt thứ 4 vào năm tiếp theo.
Lần này, ông cũng bắt Lý Nghiêm dẫn quân ngược Bắc lên Hán Trung đợi lệnh. Về sau này, trong tấu chương hạch tội Lý Nghiêm, Khổng Minh viết về phản ứng của Nghiêm - "Năm ngoái thần Tây chinh, muốn lệnh Bình (Lý Nghiêm) làm đốc chủ Hán Trung.
Bình nói đám Tư Mã Ý cũng được 'khai phủ tích chiêu' (chiêu dụ nhân tài).
Thần biết Bình muốn nhân cơ hội trục lợi, ép thần phong con trai y làm đốc chủ Giang Châu" (trích "Tam Quốc Chí - Thục thư - Lý Nghiêm truyện").
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Lý Nghiêm đem việc Tư Mã Ý "khai phủ" ra nói không hoàn toàn chỉ là cái cớ, bởi thực tế từ lâu Nghiêm vẫn bất mãn vì không được hưởng quyền "khai phủ" như Gia Cát Lương.
Nghiêm chọn thời điểm chiến sự Thục-Ngụy đến gần để ép Gia Cát Lượng, thực tế chính là ra điều kiện đối với việc lên Hán Trung, yêu cầu được hưởng đãi ngộ ngang hàng với Khổng Minh, tức là cũng có thể "khai phủ", tuyển lựa quan lại.
Đương nhiên, Khổng Minh không đáp ứng và cũng không cho phép điều này xảy ra. Nhưng ông cũng hiểu rằng, trước sức ép từ việc Ngụy quân áp biên, quan hệ căng thẳng giữa 2 trọng thần trong triều hoàn toàn không phải chuyện hay.
Bên cạnh đó, dù Lượng và Nghiêm đấu tranh không khoan nhượng trong cuộc chiến giành quyền lực, nhưng nhận thức chung căn bản - bảo vệ sự sinh tồn của chính quyền Thục Hán - của 2 ông không hề bị phân cực.
Vì vậy, cuối cùng Khổng Minh đã có bước nhượng bộ, phong con trai Lý Nghiêm làm đô đốc Giang Châu, tiếp tục để Lý gia được quyền kiểm soát khu vực này.
Đối với bước đi của Khổng Minh, Lý Nghiêm cũng đáp trả tương xứng - "gửi hai vạn quân đến Hán Trung", đồng thời tiếp nhận mệnh lệnh của Lượng, nhậm chức Trung đô hộ và đổi tên thành Lý Bình (vì vậy sau này trong tấu hạch tội của Lượng gọi Nghiêm là "Bình").
Việc Lý Nghiêm tới Hán Trung là lần "bắt tay hợp tác" đầu tiên giữa Lượng và Nghiêm, kể từ sau khi Lưu Bị qua đời.
Lý Nghiêm "ngã ngựa" bởi một sai lầm sơ đẳng là điều khiến nhiều học giả đương đại đặt nghi vấn về việc "bàn tay đen" sắp đặt màn kịch.
Lý Nghiêm "ngã ngựa" là cái bẫy?
Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 9 (231), Gia Cát Lượng thống lĩnh đại quân tiến hành cuộc Bắc phạt lần 4, đối quyết với Ngụy quân tại Kỳ Sơn.
Tuy nhiên, chiến sự diễn ra vào mùa mưa khiến Thục quân vấp phải tình trạng đứt đoạn lương thực ở Hán Trung, dẫn đến chuỗi sự kiện kịch tính sau đó.
Các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng, một chính trị gia lão luyện như Lý Nghiêm đã bất cẩn phạm phải sai lầm sơ đẳng.
Chỉ vì vấn đề mưa bão ảnh hưởng đến việc vận lương, Nhgiêm đã sai Tham quân Hồ Trung, đốc quân Thành Phan lấy danh nghĩa triều đình "dụ chỉ" Khổng Minh lui binh; sau đó ông lại dâng biểu lên hậu chủ nói rằng Lượng rút quân là "kế sách dụ địch".
Trong khi đó, khi Nghiêm ở Hán Trung nghe tin Lượng lui binh, lại vờ tỏ ra kinh ngạc nói - "Quân lương còn đủ, cớ sao lui quân!".
Hàng loạt chi tiết vô lý trong vụ việc bị lộ sau khi Khổng Minh so sánh bút tích công văn, vạch trần màn kịch của Nghiêm, buộc Lý Nghiêm gánh trách nhiệm nặng nề sau vụ đấu đá nội bộ này.
Do Thục quốc không có chức quan ngự sử ghi chép tài liệu để lại cũng nhiều nguyên nhân khác, cho nên đến nay các nghiên cứu vẫn không đưa ra được giải thích khác đối với sự việc của Lý Nghiêm.
Tuy nhiên, xét về logic, việc Lý Nghiêm phạm phải sai lầm "ngớ ngẩn" như trên là điều đáng đặt nghi vấn, nhất là khi hàng loạt công văn với bút tích của Nghiêm toàn bộ lại lọt vào tay Gia Cát Lượng một cách khó hiểu.
Trên thực tế, việc Thục Hán phải rút quân vì thiếu lương hoàn toàn không phải đến Lý Nghiêm mới xảy ra, bởi địa hình đất Thục hiểm trở vô cùng, cộng thêm mùa mưa gây khó khăn cho việc vận chuyển là những nguyên nhân dễ hiểu.
Về lý thuyết, dù Lý Nghiêm thực sự có mắc "sai lầm" trong hoạt động vận lương ra tiền tuyến, thì điều đó cũng chưa tới mức để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sinh mạng chính trị của Nghiêm, để buộc ông phải mạo hiểm tung "đòn độc" đối với Khổng Minh như vậy.
Các học giả ngày nay cũng chỉ có thể nhận định rằng, một "cái bẫy" tệ hại như vậy hoàn toàn không phù hợp xuất hiện ở một nhà quân sự, chính trị với hàng chục năm kinh nghiệm.
Dù không hề có bằng chứng cho thấy có bàn tay sắp đặt của Khổng Minh trong vụ "ngã ngựa" của Lý Nghiêm, nhưng kết cục, việc Nghiêm bị giáng làm thường dân chính là thắng lợi chính trị lớn nhất của Lượng.
Sau khi Nghiêm rời khỏi triều đình, chính quyền Thục Hán mới thực sự nằm trọn trong tay nhóm thế lực Kinh Sở của Gia Cát Lượng, mà bản thân Khổng Minh cũng chiếm được địa vị quyền lực tuyệt đối.
Trong cả triều đình Thục Hán, thậm chí bao gồm Hoàng đế Lưu Thiện, Khổng Minh vẫn là người duy nhất nắm giữ thực quyền.