Hiện giờ, nhu cầu nước ngọt riêng cho công nghiệp của Trung Quốc là 139 tỷ mét khối mỗi năm và dự kiến con số này tăng lên thành 200 tỷ mét khối vào năm 2020 và 300 tỷ mét khối vào năm 2030. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng hệ thống kênh mương để vận chuyển nước từ nam ra bắc nhưng công trình này đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Một cách đơn giản hơn là nhập nước ngọt từ Nga qua hệ thống ống dẫn với nguồn nước chất lượng từ hồ Baikan, hồ nước ngọt sâu nhất thế giới.
Một giải pháp lâu dài được Trung Quốc tính đến là biến nước biển thành nước ngọt với công nghệ khử mặn. Tuy nhiên, công nghệ này khá đắt đỏ và Trung Quốc không hào hứng cho lắm. Năm 2011, thành phố Thiên Tân dành 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy khử mặn dựa theo công nghệ của Israel.
Nhưng ba năm sau đó, Bắc Kinh chỉ chịu chi 1,1 tỷ USD để khởi công một nhà máy tương tự ở Tào Phi Điện, cách Thiên Tân vài chục km về phía nam. Kế hoạch này được công ty của Na Uy Aqualyng đảm nhận, sẽ khử muối trong một triệu tấn nước biển mỗi ngày, đáp ứng một phần ba nhu cầu của Bắc Kinh nhưng phải đến năm 2019 mới bắt đầu hoạt động.
Chỉ có điều, giá thành cho việc xây dựng và vận hành cao nên sản phẩm đầu ra cũng có giá không rẻ. Wang Xiaoshui, Giám đốc điều hành dự án cho biết giá bán nước khử mặn là 8 nhân dân tệ (1,30 USD) cho mỗi mét khối, cao gấp đôi mức giá hiện tại.
Chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi thực hiện chính sách thắt lưng buộc họng người dân nhằm tiết kiệm nước với mục tiêu cắt giảm 20% lượng nước đang dùng hiện giờ. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc hiện giờ khoảng hơn 600 tỷ khối nước mỗi năm. Li Ganjie, Thứ trưởng Bộ môi trường, đã bật đèn xanh cho việc tăng dần giá nước dự kiến để bù đắp chi phí sản xuất. Ngoài ra, có các chính sách để xử phạt các hộ dùng nước sạch vượt kế hoạch.
Nhưng dù sao thì việc thắt lưng buộc họng cũng không phải giải pháp lâu dài nên Trung Quốc vẫn phải lo đi mua nước từ Nga và bòn rút nước của Ấn Độ và Việt Nam.