"Điều luật 12 năm"
Dù được đánh giá là một hiệp định tân tiến với tiêu chuẩn cao sẽ thiết lập quy tắc thương mại trong thế kỉ 21, cho đến nay, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) lại đang gặp nhiều khó khăn trong đàm phán vì những rào cản tương đối "cổ lỗ sĩ".
Đó là nhận định của nhà phân tích Bill Watson thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Thương mại Cato (Mỹ) đăng trên tạp chí National Interest. Theo ông Watson, việc tìm được tiếng nói chung trong vấn đề bảo vệ độc quyền các sản phẩm địa phương sẽ là chìa khóa quyết định vận mệnh TPP.
Tuy nhiên, chuyên gia này lại chỉ ra rằng, chính Mỹ là nước đang phức tạp hóa vấn đề với những đòi hỏi nhỏ nhặt, vô lý trong lĩnh vực bảo vệ độc quyền thuốc.
"Mỹ muốn đặt ra một điều luật 12 năm độc quyền thông số và thành phần đối với các loại thuốc sinh học. Điều này trao cho hãng sản xuất ít nhất 12 năm độc quyền tại các nước thành viên TPP dù thuốc của họ có được cấp bằng sáng chế hay không" - ông Watson cho biết.
Theo chuyên gia này, dù hai khái niệm nói trên hay bị dùng lẫn lộn với nhau, nhưng độc quyền (exclusivity) khác hẳn với cấp bằng sáng chế (patent).
Độc quyền được định nghĩa là khoảng thời gian tính từ khi một loại thuốc đã được cơ quan kiểm định chứng nhận an toàn cho đến khi cơ quan kiểm định này chứng nhận một loại thuốc cạnh tranh khác.
Khoảng thời gian độc quyền này được áp dụng kể cả khi loại thuốc gốc vẫn đang được bảo vệ bởi bằng sáng chế, và dù loại thuốc cạnh tranh mới có được chứng nhận an toàn hay không.
Phía Mỹ khẳng định, việc đảm bảo độc quyền bằng cách áp dụng "điều luật 12 năm" sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu sáng chế ra các loại thuốc mang tính đột phá để chữa trị ung thư, tiểu đường, ebola, và một số loại bệnh khác.
Phía Mỹ cho rằng "điều luật 12 năm" sẽ khuyến khích các sáng chế mang tính đột phá. Ảnh minh họa: Google Images
Họ cho rằng, việc thử nghiệm và phát triển các loại thuốc này cần rất nhiều thời gian, và khi chúng xuất hiện được trên thị trường, phần lớn khoảng thời gian trong thời hạn được bằng sáng chế bảo vệ đã mất.
Do đó, Mỹ muốn bổ sung thêm một khoảng thời gian kéo dài 12 năm để bảo vệ tính độc quyền cũng như ghi nhận công sức của các nhà sáng chế thuốc.
Mặt khác, giới phân tích chỉ ra rằng chỉ duy nhất có Mỹ mới đề xuất 12 năm độc quyền, đồng thời khẳng định đây là một khoảng thời gian quá dài.
Khác với các loại thuốc "cổ truyền" được chế từ các phân tử nhỏ, thuốc sinh học kể cả khi tái sản xuất cũng cần một khoảng thời gian nghiên cứu và thử nghiệm đáng kể, do đó không dễ để đối thủ cạnh tranh có thể "sao chép" thuốc sinh học nhanh chóng như phía Mỹ lo ngại.
Ngoài ra, các quy tắc bằng sáng chế thường bao gồm nhiều ngoại lệ và giới hạn để đảm bảo tính cân bằng. Nhưng "điều luật 12 năm" thì không quan tâm đến sự cân bằng này mà đơn thuần chỉ bảo vệ độc quyền mà thôi.
Thế lực "có máu mặt" nhất đứng sau những đòi hỏi này của phía Mỹ là Thượng nghị sĩ Orrin Hatch (đảng Cộng hòa - bang Utah). Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, ông Hatch sở hữu nhiều quyền hành trong chính sách thương mại nước này.
Tận dụng uy thế của mình, ông Hatch từ trước đến nay luôn đẩy mạnh việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại. Ông liên tiếp gây sức ép lên các bên tham gia đàm phán TPP, bắt buộc hiệp định phải bao gồm "điều luật 12 năm".
Ông Watson nhận định, "không đời nào" điều luật này sẽ được đưa vào TPP. Không một nước thành viên nào muốn một khoảng thời gian độc quyền dài như vậy, và hầu hết đều cho rằng 5 năm là mức tối đa mà Mỹ có thể đề xuất.
Thậm chí, ngay cả chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không muốn một khoảng thời gian độc quyền lên tới 12 năm. Theo ông, 7 năm là khoảng thời gian hợp lý, tương tự với luật sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Vấn đề không đáng để tranh cãi
Theo ông Watson, điều "bực mình" nhất là vấn đề này ngay từ đầu không đáng để đưa vào một hiệp định thương mại. Bản chất của việc gỡ bỏ rào cản thương mại là giúp người tiêu dùng vì giá thành sản phẩm sẽ giảm và độ đa dạng mặt hàng sẽ tăng.
"Việc nâng cao bảo vệ độc quyền và đưa ra những quy tắc sở hữu trí tuệ hoàn toàn phản tác dụng khi đưa vào một hiệp định thương mại... Đối với các nhà hoạch định chính sách, lợi ích của người tiêu dùng phải là trọng tâm" - ông Watson khẳng định.
Theo chuyên gia này, nếu các nước muốn đi tới một bộ quy tắc độc quyền phù hợp lợi ích của tất cả, họ có thể làm điều đó thông qua một hiệp định quốc tế mang tính đặc trưng hơn, thay vì áp đặt nó trong một hiệp định thương mại như TPP.
Còn hiện nay, những gì ông Hatch và các nhà thương thuyết phía Mỹ đang làm chỉ đang phức tạp hóa vấn đề mà thôi.