Khai màn đối thoại, Mỹ "phủ đầu" cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông

Đức Huy |

Phát biểu khai mạc Đối thoại thường niên về Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung hôm 23/6, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Trung Quốc phải đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

"Tự do hàng hải trên Biển Đông phải luôn được đảm bảo. Các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế và hợp tác cùng nhau để mở đường cho các hoạt động thương mại bằng đường thủy diễn ra thông suốt" - ông Biden nhấn mạnh.

Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng theo hãng tin AFP đánh giá, đây là một "lời cảnh cáo nghiêm khắc" ("sharp warning") mà Washington muốn gửi tới Bắc Kinh ngay trong buổi khai mạc cuộc đối thoại thường niên diễn ra trong 3 ngày từ 23 tới 25/6.

"Thẳng thắn và cởi mở"

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trải qua một giai đoạn căng thẳng do hệ quả từ vấn đề Biển Đông cũng như cáo buộc xâm phạm an ninh mạng, giới phân tích đánh giá ngày làm việc đầu tiên giữa đôi bên đã diễn ra tương đối "thẳng thắn".

Phó Tổng thống Biden cũng thừa nhận, cuộc đối thoại này sẽ không thể giải quyết được tất cả những khúc mắc giữa hai phía, nhưng nhấn mạnh cả Mỹ và Trung Quốc phải cam kết sẽ hợp tác tìm kiếm lời giải cho các vấn đề hiện nay.

Bởi theo ông, kể cả trong tình hình căng thẳng hiện tại, mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung vẫn mang ý nghĩa hết sức quan trọng.

"Không chỉ Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ này, mà cả thế giới cũng trông chờ vào thành công của sự hợp tác giữa hai nước" - ông Biden phát biểu.

Về phần mình, Trung Quốc cũng khẳng định mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác với Mỹ.

Tương tự với ông Biden, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cũng thừa nhận Washington và Bắc Kinh không cùng chung quan điểm ở nhiều vấn đề, nhưng nhấn mạnh "đối thoại luôn là lựa chọn tối ưu hơn so với đối đầu".

"Giao tranh sẽ là thất sách khiến đôi bên cùng gặp bất lợi" - ông Uông phát biểu.

"Nhất trí bất đồng quan điểm" (Agree to Disagree)

Đến với cuộc đối thoại năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã xác định trước những vấn đề nhiều khả năng sẽ không thể được giải quyết ổn thỏa, trong đó điển hình là cách tiếp cận trái ngược của đôi bên tại Biển Đông.

Trong khi Mỹ liên tiếp kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi xây dựng bành trướng phi pháp trên các đảo đá nhân tạo, Bắc Kinh vẫn không hề cho thấy dấu hiệu sẽ nghe theo đề nghị từ phía Washington.

Không những vậy, mới tháng trước Trung Quốc còn ngang ngược khẳng định sẽ mở rộng phạm vi quân sự ra ngoài lãnh thổ, để có thể khẳng định tuyên bố chủ quyền (sai trái - PV) của mình trên biển cũng như trên không.

Ngoài ra, trong khuôn khổ đối thoại lần này, Mỹ cũng cho biết sẽ "ba mặt một lời" với Trung Quốc về cáo buộc tin tặc Bắc Kinh xâm nhập vào hệ thống an ninh mạng Washington và đánh cắp thông tin của hơn 14 triệu nhân viên thuộc Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ.

"Phía Mỹ quan ngại sâu sắc trước những cuộc tấn công mạng do chính phủ [Trung Quốc] tài trợ nhắm vào các công ty cũng như lĩnh vực thương mại. Cả hai nước cần tuân thủ các quy tắc ứng xử về không gian mạng" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew phát biểu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew (đeo kính) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew (đeo kính) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Ảnh: Reuters

Phía Trung Quốc phủ nhận cáo buộc nói trên, nhưng khẳng định sẽ hợp tác cùng Mỹ và các quốc gia khác trong các vấn đề an ninh mạng.

"Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của an ninh mạng. Trung Quốc đã sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ trong việc nâng cao mức độ bảo mật của không gian mạng" - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu.

Ngoài những vấn đề đôi bên không nhất trí, Mỹ và Trung Quốc khẳng định sẽ hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Iran và Triều Tiên, và cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Theo dự kiến, phiên đối thoại ngày 24/6 sẽ có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại