Iran vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, Mỹ "tiến thoái lưỡng nan"

Hàn Giang |

Việc Iran vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc bằng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới, đang khiến Mỹ và các nước phương Tây rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong tháng 10.2015, Iran đã tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm trung Emad, một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Kế hoạch của Tehran đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một quan chức giám sát các biện pháp cho biết trong báo cáo mới nhất.

Kết luận từ các chuyên gia của Hội đồng Bảo an sẽ dẫn đến các cuộc kêu gọi mở rộng lệnh trừng phạt đối với Iran tại Washington và một số nước phương Tây.

Ngày 15.12, Nhà Trắng tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng bổ sung các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran, liên quan đến những cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây.

Bản báo cáo từ các chuyên gia cho biết: “Trên cơ sở những phân tích và phát hiện gần đây, Ban Hội thẩm nhận định các cuộc thử nghiệm tên lửa Emad là sự vi phạm trắng trợn của Iran đối với điều 9 trong Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an”.

Được soạn thảo vào ngày 11.12, bản báo cáo dài 10 trang sẽ sớm chuyển đến các thành viên của Ủy ban trừng phạt Iran trong vài ngày tới.

Theo hãng tin Reuters, bản báo cáo trước đó dự kiến sẽ công bố vào cuối ngày 15.12, khi một hội đồng bao gồm 15 quốc gia sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt Iran được tổ chức.

Các chuyên gia nhận định, Tehran đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo vượt quá quy định về tải trọng và tầm bay.

Một chuyên gia cung cấp: “Sự ra mắt của tên lửa Emad với tải trọng ít nhất là 1.000 kg và khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi 1.000 km đã vi phạm những quy định trước đó.

Ngoài ra, Emad cũng sử dụng công nghệ từ các tên lửa đạn đạo. Điều này chứng tỏ Iran vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc”.

Washington đang đối mặt với những khó khăn từ báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khi Iran tuyên bố bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào sẽ đe dọa đến thỏa thuận hạt nhân ngày 14.7, giữa Tehran và 6 cường quốc trên thế giới.

Ngược lại, nếu chính quyền của Tổng thống Barack Obama không hành động, điều này vô tình sẽ tạo ra “động lực” cho các kế hoạch tiếp theo của Iran.

Giới chức ngoại giao cho rằng, Ủy ban trừng phạt của Liên Hiệp Quốc có thể bổ sung một số quan chức Iran vào danh sách đen hay ban hành những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu dễ dàng áp dụng.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc có thể ngăn chặn động thái đối với Iran nếu không thích điều này.

Trong tháng 10.2015, Tehran đã tranh luận với các nước phương Tây về việc sở hữu tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố: “Không có bất kỳ tên lửa nào của Iran được thiết kế cho khả năng mang đầu đạn hạt nhân”.

Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cấm các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran được thông qua vào năm 2010 và tiếp tục có hiệu lực cho đến khi một thỏa thuận hạt nhân được thực hiện.

Theo đó, hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với Tehran sẽ được dỡ bỏ nhằm đổi lấy chương trình nghiên cứu hạt nhân của quốc gia này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại