Hoàn Cầu: Nhiều nước "xoay trục" sang Trung Quốc vì bị Mỹ lừa

Lê Thu |

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, giới truyền thông Mỹ vô cùng quan tâm đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm ba nước Trung Đông: Saudi Arabia, Ai Cập và Iran.

Mỹ "mất hình tượng" ở Trung Đông, Bắc Kinh nhảy vào

Tờ Washington Times của Mỹ hôm 19/1 viết, đây là lần viếng thăm nhận được “sự quan tâm mật thiết”.

Bắc Kinh nỗ lực mở rộng việc can thiệp vào thị trường dầu mỏ của Trung Đông, rất có khả năng sẽ thay thế Mỹ để trở thành lực lượng ngoại quốc tiềm năng có sức ảnh hưởng lớn nhất đến khu vực bất ổn này.

Theo tờ báo Mỹ, nhân lúc khu vực Trung Đông đang bất ổn, mục đích thăm viếng khu vực này của Tập Cận Bình nhằm truyền đạt một thông tin: Coi Trung Quốc chứ không phải Mỹ làm đối tác trong tương lai là một sự lựa chọn sáng suốt.

Giám đốc cấp cao tại Chương trình an ninh Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Viện nghiên cứu Washington của Trung tâm Hoa Kì mới – ông Patrick M. Cronin nói: "Trước mắt chính sách của Mỹ đối với khu vực này đã hoàn toàn bị đảo lộn.

Việc chúng tôi thúc đẩy để đạt được thỏa thuận hòa bình với Iran cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi đang xa lánh rất nhiều bạn bè quốc tế. Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để lấp đầy khoảng trống quyền lực”.

“Trung Quốc được xem là một cường quốc trung lập, có thể giảm thiểu tình hình căng thẳng và thúc đẩy sự phát triển, trong khi đó Mỹ trong khu vực xảy ra tranh chấp triền miên này lại bị phân tâm bởi rất nhiều việc khác,” ông nói.

Ông Cronin cũng đánh giá, theo như hiện nay giá dầu thế giới đang ở mức thấp thì thời cơ mà Bắc Kinh chọn lựa là rất phù hợp.

Trang Latif của Ấn Độ viết, trên phương diện thời cơ thúc đẩy Tập Cận Bình đến thăm Trung Đông, một nhân tố chắc chắn là đa số các nước Trung Đông đều có cái nhìn tiêu cực đối với Mỹ, mối quan hệ của rất nhiều quốc gia với Mỹ đang trở nên yếu dần.

Tại Ai Cập, số người có cái nhìn tích cực đối với Mỹ không quá 10%, tại một số quốc gia khác trong khu vực này, số người phê bình luôn cao hơn số người có đánh giá tích cực về nước Mỹ.

Ngược lại, Trung Quốc đang có hình ảnh khá tích cực trong mắt các nước Trung Đông.

Theo Latif, vị thế của Bắc Kinh tại Trung Đông được nâng lên giúp thúc đẩy tầm ảnh hưởng đến quốc tế của Trung Quốc, đồng thời có thể khiến cho Mỹ chấp nhận kiến nghị về “Quan hệ nước lớn kiểu mới” của Trung Quốc.

Báo Star and Stripes của Mỹ viết, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo đầu tiên trong số các cường quốc trên thế giới đến thăm Iran sau khi nước này được xóa bỏ lệnh trừng phạt.

Theo tờ này, trong lúc Syria “xuất khẩu” bạo lực ra thế giới, các nước lớn trong khu vực có sự tranh chấp về phe phái, tôn giáo, và sức ảnh hưởng của Mỹ đang bị giảm xuống, Trung Quốc hy vọng sẽ được nắm giữ vai trò quan trọng hơn nữa.


Tổng thống Iran Hassan Rouhani tổ chức lễ đón ông Tập Cận Bình ở Tehran hôm 23/1, trước khi tiến hành hội đàm song phương. Ảnh: Xinhua

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tổ chức lễ đón ông Tập Cận Bình ở Tehran hôm 23/1, trước khi tiến hành hội đàm song phương. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc đề nghị gì với Trung Đông?

Đài Deutsche Welle (DW, Đức) thì nhận định, Tập Cận Bình đến thăm Trung Đông là đang đi trên “cầu thăng bằng”.

Theo DW, chuyến công du của ông Tập diễn ra đúng vào lúc mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đang căng thẳng, đưa đến suy đoán về khả năng Trung Quốc muốn trở thành người hòa giải.

Giáo sư Flynt Leverett của Học viện Quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Pennsylvania cho rằng nhận định trên có phần “phóng đại”, bởi Tập Cận Bình đã bắt đầu có kế hoạch cho hành trình của chuyến thăm lần này từ một năm trước.

Trong chuyến viếng thăm, ông Tập chắc chắn sẽ nhấn mạnh ở mức cao nhất về việc các bên cần phải kiềm chế, nỗ lực giảm bớt cục diện căng thẳng song phương.

Tuy nhiên mục tiêu chính mà Bắc Kinh theo đuổi là để thành lập mối quan hệ kinh tế càng thêm chặt chẽ hơn với Trung Đông, nên Trung Quốc khó có thể trở thành "cầu nối" trong mối quan hệ ngoại giao Trung Đông.

Giáo sư Tiết Khánh Quốc của khoa Tiếng Ả Rập thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh nói với Thời báo Hoàn Cầu, thế giới Ả Rập “nhìn về phía Đông” không phải bắt nguồn từ sự “dẫn dắt” của Trung Quốc, mà đây là một xu thế tự phát.

Một mặt, những quốc gia này đã ý thức được rằng đi theo phương Tây có khả năng sẽ bị “mắc lừa”.

Phương Tây đã thông qua vũ lực để đưa nền dân chủ và mô hình phát triển của mình áp đặt vào các nước Trung Đông, khiến các nước này trở nên hỗn loạn, thậm chí sụp đổ.

Ngược lại, cách tiếp cận mà Trung Quốc khởi xướng đem đến lợi ích lâu dài cho Trung Đông, vì vậy các nước này đã đồng thuận coi trọng Trung Quốc, ông Tiết đánh giá.

Tiết Khánh Quốc nói, đối với các nước Trung Đông, tầm quan trọng của sáng kiến “Một vành đai một con đường” ở chỗ nó có thể trở thành phương thức chủ yếu đem lại hòa bình cho Trung Đông.

Ông này phân tích: "Nguyên tắc quan trọng nhất của 'Một vành đai một con đường' là hợp tác và chia sẻ.

Điều này giúp một số quốc gia có sự khác biệt về chính trị trong khu vực này có thể liên kết với nhau thông qua hợp tác kinh tế để xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn nước,...và các phương diện khác.

Tiếp đó là hợp tác việc hoạch định chính sách có thể thoát khỏi tư duy Zero-sum (thuật ngữ chỉ bên thu được lợi ích thì bên kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại), đạt tới mục tiêu các bên cùng có lợi.

Như vậy mới có thể thực hiện hòa bình khu vực, cùng lúc giúp giải quyết triệt để các vấn đề chính trị bất ổn, sự phân cách giàu nghèo và chủ nghĩa khủng bố,..."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại