Hoàn Cầu hả hê: "Nhiều lãnh đạo G7 không biết Biển Đông ở đâu"

Hải Võ |

Bất chấp việc bị G7 chỉ trích "không đích danh" về hoạt động phi pháp ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn ngoan cố và thậm chí còn có những bình luận đầy khiêu khích.

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7 2015 được đưa ra vào chiều ngày 8/6 (giờ địa phương) có liên quan trực tiếp đến các vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trước đó, khi Nhật Bản có những động thái quyết liệt về việc đưa thông tin chỉ trích "không đích danh" Trung Quốc vào tuyên bố chung G7, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng "phủ đầu" ngay.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trắng trợn tuyên bố:

"Đối với các vấn đề thảo luận của hội nghị G7 lần này, tôi cần chỉ ra rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam - PV) và vùng cận hải.

Trung Quốc tiến hành hoạt động cải tạo, xây dựng (phi pháp - PV) trên một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, các nước khác không có quyền can thiệp."

Tuyên bố chung của G7 dù không nêu tên Trung Quốc nhưng đã tỏ rõ quan ngại với hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tuyên bố chung của G7 dù không nêu tên Trung Quốc nhưng đã tỏ rõ quan ngại với hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trong khi đó, báo giới Trung Quốc - điển hình là Thời báo Hoàn Cầu - liên tục chỉ trích Nhật Bản là "kẻ đứng sau một tay thúc đẩy các tuyên bố của G7".

Hoàn Cầu tỏ ra hả hê khi chế giễu rằng tại hội nghị G7, các lãnh đạo phương Tây quan tâm nhiều hơn tới khủng hoảng Ukraine, giải quyết nợ của Hy Lạp, vấn đề hạt nhân Iran hay biến đổi khí hậu... trong khi "nhiều người còn không biết Biển Đông ở đâu trên bản đồ".

Trong tuyên bố chung, dù Bắc Kinh không bị "chỉ mặt đặt tên", song việc G7 tỏ rõ quan ngại về "hành động bành trướng" trong khu vực cũng không khác gì đã "điểm danh" Trung Quốc là quốc gia chịu trách nhiệm trực tiếp.

"Chúng tôi cam kết sẽ duy trì trật tự trên vùng biển quốc tế dựa vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế - đặc biệt là các điều khoản của Công ước quốc tế Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Chúng tôi quan ngại về tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông" - Tuyên bố của các nguyên thủ G7 có đoạn.

Cũng trong tuyên bố chung, 7 lãnh đạo đã "lên án mạnh mẽ việc cưỡng ép hay dùng bạo lực và đơn phương thay đổi hiện trạng như xây dựng các hòn đảo nhân tạo quy mô lớn". Điều này được cho là "nhằm thẳng vào các hoạt động phi pháp của Trung Quốc".

Viện nghiên cứu quốc tế Pháp (IFRI)
Valérie Niquet
Gần đây nhất, Trung Quốc đã ra nhiều tuyên bố, nhắc lại rằng họ phản đối mọi sự xâm phạm vào vùng nước xung quanh các hòn đảo (mà Trung Quốc chiếm đoạt phi pháp trên Biển Đông - PV). Trung Quốc gia tăng các điểm lấn chiếm với "chiến lược xúc xích", phân thành từng đoạn, từng chút một, nhân rộng số điểm lấn ra khu vực. Nhưng nếu phải đối mặt trực diện, hải quân Trung Quốc không có khả năng đương đầu với hải quân Mỹ hay Nhật Bản. Trung Quốc chỉ lấn tới khi họ không gặp bất cứ sự kháng cự nào phía trước.

Trước đó, hội nghị Ngoại trưởng G7 tổ chức tại Lübeck, Đức đã thông qua "Tuyên bố về an ninh trên biển", trong đó có nhiều đoạn chỉ trích Trung Quốc phải trực tiếp chịu trách nhiệm về hành vi đơn phương cải tạo trái phép và làm thay đổi hiện trạng Biển Đông.

Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc phải hứng chịu chỉ trích nặng nề như vậy từ hội nghị Ngoại trưởng của G7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại