Hòa đàm Syria bế tắc: Giải pháp "lạ" của 2 nhà ngoại giao

Ngọc Minh |

Hai nhà ngoại giao Anh và Mỹ đã đưa ra gợi ý cho tương lai hòa đàm Syria tươi sáng hơn: 30% thành viên tham gia đàm phán là nữ giới.

Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft - cựu đại sứ Anh ở Bosnia và Herzegovina, cùng cựu Đại sứ Mỹ ở Bỉ Swanee Hunt đã đưa ra một giải pháp nhẹ nhàng, nhằm giải quyết bế tắc tại hòa đàm Geneva và sớm đạt đồng thuận về Syria.

Hai nhà ngoại giao khẳng định, Geneva "cần phải tiếp thu một bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng Bosnia: Để tạo ra hòa bình bền vững, phụ nữ cần phải có mặt ở bàn đàm phán".

"Là những nhà ngoại giao tại Balkan 2 thập kỷ trước đây, chúng tôi từng chứng kiến một thực tế rằng, sự thất bại trong việc mời phụ nữ tham gia hòa đàm đã dẫn tới giải pháp chính trị gây chia rẽ và không thể hiện thực hóa.

Giờ đây, các chính phủ trong khu vực đang nhận ra phụ nữ là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự ổn định".

Hai tác giả dẫn chứng, chiến lược an ninh mạnh mẽ của Bosnia nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong việc ra các quyết sách đã giúp tăng tỉ lệ nữ giới được tuyển dụng vào các lực lượng quân đội, cảnh sát. "Nữ giới thường là nhân tố dẫn đầu trong việc thiết lập an ninh".

Chính phụ nữ cũng là người đi tiên phong trong giới quan chức, trong các tổ chức phi chính phủ từ Serbia, Bosnia và các quốc gia Balkan khác trong việc vạch ra những chiến lược nhằm giải quyết thách thức nan giải của cuộc khủng hoảng nhập cư.

"Chúng ta nên áp dụng những bài học này cho Syria, nơi mà cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của một phần tư triệu dân, đẩy người tị nạn, tình trạng bạo lực cực đoan lan rộng khắp Trung Đông và xa hơn thế nữa".

Hai nhà ngoại giao đã dẫn ra một nghiên cứu mới đây trên 182 thỏa thuận cho thấy, khả năng các hiệp ước hòa bình kéo dài ít nhất 15 năm cao hơn 35% nếu nữ giới có ghế tại bàn đàm phán.

Từ đó, họ gợi ý rằng, chỉ cần 30% thành viên trên bàn đàm phán ở Geneva là nữ giới, thì tình hình có thể sẽ khác.

"Đây là kinh nghiệm của chúng tôi: Bằng việc mời các nhóm nữ giới tham dự, tất cả các bên có thể xác định những vấn đề thực tế đang ảnh hưởng tới dân thường và cơ hội tiến tới thống nhất một thỏa thuận sẽ rộng mở, bền vững hơn.

Giải quyết bạo lực với nữ giới là vấn đề cấp bách, song điều đó không thể che lấp đi một điểm mấu chốt: phụ nữ không chỉ đơn giản là "đối tượng" được an ninh bảo vệ, mà còn là những người thiết lập an ninh. Họ trực tiếp biết đâu là mối nguy hiểm và giải pháp của nó".

Theo họ, gần 500 phụ nữ tại Zabadani, gần biên giới Syria-Lebanon hàng tháng trời liều cả mạng sống của mình, gây áp lực buộc các bên phải ngừng bắn, và kết quả là tiếng súng đã gần như không còn nổ kể từ tháng Chín.

Còn về việc nhổ tận gốc khủng bố, "cần phải khôn ngoan nhận ra rằng, phụ nữ thường là "địa chỉ" tốt nhất để phát hiện các dấu hiệu cực đoan, cũng như để chống lại nó, bởi vai trò trung tâm của họ trong gia đình và cộng đồng".

Trước khi hòa đàm Syria diễn ra, phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura cũng từng hứa sẽ tìm kiếm sự tư vấn từ phía các tổ chức của nữ giới. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu điều này có được ông de Mistura thực hiện hay không.

Bà Mouna Ghanem, một chính trị gia trung lập người Syria, điều phối viên Diễn Đàn Phụ nữ vì Hòa bình Syria cho hay:

"Ngay trước thềm Geneva - 3, hầu hết tất cả nam giới đều gấp rút đàm phán cho tương lai của Syria", trong khi đó, sự tham dự của nữ giới là "mờ nhạt và không đáng kể".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại