Hillary Clinton nói gì trong 11 giờ liên tiếp bị "tra khảo"?

Đức Huy |

Dù phải đối mặt với hàng loạt những câu hỏi "khoai" từ hội đồng chất vấn, bà Hillary Clinton vẫn giữ được bình tĩnh và vượt qua phiên điều trần kéo dài 11 giờ đồng hồ.

Điều trần marathon

Politico đánh giá, bà Clinton đã vượt qua được cuộc "khẩu chiến" với các thành viên đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Chất vấn Hạ viện Mỹ hôm 22/10 vừa qua mà không để lại bất kì ảnh hưởng tiêu cực nào tới hình ảnh của mình trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ứng viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ tham gia phiên điều trần này với thanh thế đang ngày một gia tăng, đặc biệt là sau màn trình diễn ấn tượng của bà tại cuộc tranh luận đảng Dân chủ tuần trước, cũng như việc đối thủ nặng kí, phó Tổng thống Joe Biden, quyết định không ra tranh cử.

Từ 9h sáng đến 9h tối ngày 22/10, bà Clinton đã liên tiếp trả lời các chất vấn về trách nhiệm của bà trên tư cách Ngoại trưởng trong vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Benghazi (Libya) khiến 4 người Mỹ, trong đó có Đại sứ Chris Stevens, thiệt mạng vào ngày 11/9/2012.


Khung cảnh tan hoang tại Tòa nhà lãnh sự Mỹ tại Benghazi (Lybia) sau vụ tấn công ngày 11/9/2012. Ảnh: Reuters

Khung cảnh tan hoang tại Tòa nhà lãnh sự Mỹ tại Benghazi (Lybia) sau vụ tấn công ngày 11/9/2012. Ảnh: Reuters

Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi sắc sảo từ Ủy ban Chất vấn về cách xử lý của bà trong vụ Benghazi. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa liên tiếp đòi hỏi Clinton phải giải thích tại sao bà không nhận được thỉnh cầu của Đại sứ Stevens về việc cải thiện hệ thống an ninh.

Bà Clinton đã giữ được sự điềm tĩnh cần thiết trong suốt 11 giờ đồng hồ "tra khảo", ngoài một khoảnh khắc đùa cợt nhỏ ở cuối phiên điều trần, khi bà cười vào câu hỏi của nghị sĩ Marthy Roby (Alabama) rằng bà Clinton có ở một mình trong đêm xảy ra vụ Benghazi hay không.

Trong đa phần các câu trả lời của mình, bà Clinton đều nhấn mạnh một luân điểm: An ninh của Đại sứ quán không thuộc trách nhiệm của bà. Tuy nhiên, nếu Đại sứ Stevens cần giúp đỡ về vấn đề này, bà chắc chắn sẽ hỗ trợ ông.

Bà cũng không quên đưa ra những phát biểu khá khéo léo và dễ được lòng người nghe, ví dụ như: "Tôi không muốn bất kì điều gì được nói ra trong buổi điều trần này khiến sự quả cảm của các nhân viên an ninh trong đêm hôm ấy bị mai một".

"Tôi đã suy nghĩ về nó nhiều hơn tất cả các vị ở đây cộng lại. Tôi đã mất ngủ nhiều hơn tất cả các vị ở đây cộng lại. Tôi đã nghĩ đến nát óc về việc liệu tôi có thể làm gì tốt hơn hay đáng ra nên làm gì" - bà Clinton trải lòng về vụ tấn công tai tiếng ở Benghazi.

Lại vấn đề email

Ngoài vấn đề an ninh, scandal email cá nhân của bà Clinton cũng lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ. Ủy ban Chất vấn đã xoáy vào những email qua lại giữa bà Clinton và người bạn lâu năm/nhà báo nổi tiếng Sidney Blumenthal về vấn đề Libya.

Các chất vấn viên đặt dấu hỏi tại sao trong khi yêu cầu cải thiện an ninh của Đại sứ Stevens không đến được hòm thư cá nhân của bà Clinton (bà Clinton đã thừa nhận Đại sứ Stevens không có địa chỉ email cá nhân của bà-PV), mà những trao đổi với một người bạn cũ lại có được ưu tiên đó.

"Hãy giải thích cho chúng tôi, tại sao Sidney Blumenthal lại có quyền đặc cách như vậy, thưa cựu Ngoại trưởng, nhưng Đại sứ Stevens lại không có được điều đó?" - Chủ tịch Ủy ban Điều trần vụ Benghazi, nghị sĩ Cộng hòa Trey Gowdy, chất vấn.


Chủ tịch Ủy ban Điều trần Benghazi Trey Gowdy, đối thủ chính của bà Clinton trong phiên chất vấn. Ảnh: AP

Chủ tịch Ủy ban Điều trần Benghazi Trey Gowdy, "đối thủ" chính của bà Clinton trong phiên chất vấn. Ảnh: AP

Đáp lại, bà Clinton cho biết Đại sứ Stevens thường xuyên liên lạc bằng email với Jake Sullivan, một cố vấn thân cận của cựu Ngoại trưởng Mỹ. Nếu ông Sullivan nhận được bất kì yêu cầu cải thiện an ninh nào từ ông Stevens, bà Clinton sẽ giải quyết ngay lập tức.

Tuy nhiên, theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, Đại sứ Stevens không hề đả động đến vấn đề an ninh trong các trao đổi với cố vấn Sullivan.

Về cuối phiên điều trần, bà Clinton bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn hơn với nhóm các nghị sĩ chất vấn.

"Thưa ngài Chủ tịch, ông không hài lòng với kết quả điều tra nội bộ của bộ Ngoại giao. Ông không hài lòng với kết quả điều tra của các ủy ban khác. Thế thì tôi biết làm thế nào?" - bà nói với ông Gowdy.

Tóm lại, có thể nói bà Clinton đã "thắng" trong phiên điều trần lần này, khi bà không để lộ bất kì một sơ hở nào, đồng thời nhận được sự ủng hộ của phần đông các nghị sĩ đảng Dân chủ khác, những người đã chỉ trích phiên điều trần này là một "màn kịch chính trị" của phe Cộng hòa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại