Hé lộ ‘thâm cung bí sử’ cơ cấu chính trị quyền lực nhất Trung Quốc

Chí Quân |

(Soha.vn) - Cuốn sách mới xuất bản của một trong những nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu Trung Quốc hé lộ thông tin hiếm hoi về nội tình Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ cấu quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị của đất nước 1,4 tỷ dân.

Tác giả cuốn sách mang tên Hệ thống lãnh đạo tập thể của Trung Quốc là Hồ An Cương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, giáo sư Đại học Thanh Hoa, một người có ảnh hưởng sâu rộng vào quá trình hoạch định chính sách ở đất nước đông dân nhất thế giới.


	Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa hiện thời ra mắt báo giới tháng 11/2012

Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa hiện thời ra mắt báo giới tháng 11/2012

Trong sách, Hồ An Cương đã mô tả quá trình lịch sử ra đời và phát triển của hệ thống lãnh đạo tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như chi tiết cơ chế ra quyết định trong Ban Thường vụ.

Được thành lập năm 1956 theo đề xuất của Mao Trạch Đông, Ban Thường vụ được coi là nòng cốt lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng sau đó, cơ cấu này đã bị suy yếu rất nhiều và trở thành một tổ chức hữu danh vô thực trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976).

Sau khi Mao qua đời và Cách mạng văn hóa chấm dứt, hệ thống lãnh đạo tập thể được khôi phục lại. Phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1992 đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng về sự lãnh đạo của đảng và nhà nước Trung Quốc, theo đó, Ban Thường vụ được trả lại vai trò và quyền lực như dự định ban đầu khi nó ra đời.

Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay bao gồm 7 thành viên: Tập Cận Bình (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc), Lý Khắc Cường (Thủ tướng Trung Quốc), Trương Đức Giang (Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc), Du Chính Thanh (Chủ tịch Chính hiệp), Lưu Vân Sơn (Bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), Vương Kỳ Sơn (Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc) và Trương Cao Lệ (Phó Thủ tướng Trung Quốc).

Cuốn sách của giáo sư Hồ cho biết, nếu muốn bước chân được vào nhóm nhân sự quyền lực này, bất cứ quan chức Trung Quốc nào cũng phải thể hiện được năng lực ở vị trí lãnh đạo đảng ở địa phương cấp tỉnh, đồng thời phải là trợ lý đắc lực của một thành viên Ban Thường vụ, cũng như là ủy viên hoặc ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Viên quan chức đó phải tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm lãnh đạo tỉnh trước khi được cấp trên hướng dẫn, rèn luyện và đánh giá.

Cũng theo cuốn sách thì khi Ban Thường vụ nhóm họp, mỗi thành viên sẽ bày tỏ ý kiến cá nhân về các vấn đề chuyên biệt cũng như các ý kiến đại diện cho tổ chức, đơn vị mà họ đứng đầu. Một khi quyết định tập thể được đưa ra trong cuộc họp, các thành viên sẽ chuyển cho cơ quan họ phụ trách để thực thi theo đúng như vậy.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về emai: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại