Trích dẫn nguồn từ các vụ xét xử tham nhũng trên khắp Trung Quốc, bài báo lưu ý rằng, chiến dịch diệt trừ tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã "đẩy giá" tham nhũng lên cao, bất chấp những rủi ro lớn hơn.
Chẳng hạn, Du Baoqian, người vừa được thả hồi tháng 6 năm nay sau khi thụ án 14 năm tù vì tội tham nhũng từ năm 2001, đã nhận hối lộ hơn 42.000 USD.
Du Baoqian là bí thư huyện Lushi, tỉnh Hà Nam. Ông này nhận từ 1.570 USD mỗi lần và cao nhất là 7.870 USD cho một vụ bán chức.
Một trường hợp khác là Yan Jinxing, cựu bí thư huyện Si, tỉnh An Huy.
Khi Yan bị xét xử vào tháng 9.2014, đã có cáo buộc ông này nhận 3 lần hối lộ với số tiền lần lượt là 787 USD, 1.573 USD và 787 USD từ một người muốn mua chức trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2007.
Sau năm 2007, "bảng giá" hối lộ dường như tăng cao hơn. Tong Mengjiao, cựu bí thư huyện Mianchi, tỉnh Hà Nam, bị buộc tội nhận hối lộ 15.730 USD cho mỗi lần mua bán chức.
Giá cả tiếp tục tăng cao hơn nữa sau năm 2010. Năm 2013, Wu Baoliang, cựu bí thư huyện Xiaoxian, tỉnh An Huy bị phát hiện nhận hối lộ ở tất cả các mức độ, trong đó ít nhất là 31.460 USD.
Trong những năm gần đây, "giá hối lộ" cán mốc 1 triệu tệ. Trong một cuộc điều tra bầu cử ở huyện Nanchong, tỉnh Tứ Xuyên, cơ quan chức năng phát giác một ứng viên chi trung bình 1,4 triệu nhân dân tệ (164.000 USD) để hối lộ cho 16 người.
Số tiền hối lộ tùy thuộc vào cấp bậc và vị trí. Chẳng hạn, ở cấp huyện, người hối lộ phải trả khoảng 47.200 USD để được thăng chức phó giám đốc.
Ở cấp thành phố, gần đây có vụ một quan chức Nội Mông đã chi tới 86.560 USD và 3kg vàng để thăng chức từ phó bí thư thành ủy lên phó thị trưởng.
Càng ở những cấp cao hơn, tiền hối lộ càng "khủng".
Tháng 3 năm nay, Yang Chunchang, cựu giám đốc cục xây dựng quân đội, Viện Khoa học quân sự PLA khai trước tòa rằng, cựu Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Từ Tài Hậu - người qua đời vì ung thư bàng quang trước khi hầu tòa - đã tổ chức cho các ứng viên "đấu giá" để thăng chức.
Từ Tài Hậu sẽ thăng chức cho người hối lộ ông ta 20 triệu tệ (3.15 triệu USD) và gạt bỏ người chỉ đưa 10 triệu tệ.
Bài báo cũng lưu ý rằng, có nhiều trường hợp người đưa hối lộ không được thăng chức hoặc không được bầu.
Theo bài báo, một ứng viên đã chi 94.400 USD hối lộ để có "một chân" trong thôn, nhưng đã xỉu ngay tại chỗ khi phát hiện mình không được bầu.
Trường hợp hối lộ nhiều nhất chỉ để được một vị trí thấp nhất là của ông Hao Erzhu. Ông này đã chi tới 1.21 triệu USD để mua "một chân" trong cuộc bầu cử thôn tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây năm 2011.
Tuy nhiên, với ông Hao đây là khoản hối lộ "đáng đồng tiền bát gạo", bởi sau đó ông ta đã lợi dụng chức vụ để biển thủ hơn 7.87 triệu USD từ quỹ đền bù đất và chuyển nhượng trái phép 560 mẫu đất làng.