Hào quang phu nhân Tập Cận Bình có giúp Trung Quốc "đẹp mặt" hơn?

Minh Thu |

Từng là một danh ca nổi tiếng và sau đó trở thành đệ nhất phu nhân của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện được kỳ vọng là người giúp nâng hình ảnh Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.

Theo CNBC, truyền thông nhà nước Trung Quốc còn dành sự chú ý đặc biệt với ông Tập và bà Bành nhiều hơn cả nhà lãnh đạo tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và phu nhân Lưu Vĩnh Thanh.

Có thể nói, phu nhân Bành (52 tuổi) đang trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng trong công tác ngoại giao của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Nghiên cứu của Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định "những hành động thanh lịch" cùng việc tích cực tham gia các sự kiện từ thiện của bà Bành, có thể giúp tăng quyền lực mềm cho Trung Quốc.

Phu nhân Bành Lệ Viện cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới.

"Trung Quốc đang truyền đi lòng tốt và thiện chí ra thế giới qua ngoại giao công chúng của đệ nhất phu nhân trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với không ít khó khăn từ việc phát triển kinh tế nhanh chóng.

Bà Bành đã thu hút sự quan tâm của truyền thông trong nước và quốc tế bằng vẻ bề ngoài, hành động từ thiện và khả năng ca hát", Đại học Nhân dân Trung Quốc viết.

Kết hôn cùng ông Tập vào năm 1987, bà Bành đang giữ vị trí thứ 57 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2014 do tạp chí Forbes bình chọn.

Việc thường xuyên sát cánh cùng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong các chuyến công du nước ngoài hoặc tham gia các sự kiện từ thiện trong nước, đã khiến giới truyền thông Trung Quốc chú trọng hơn tới bà Bành.

Còn theo CNBC, giới phân tích nhận định đây là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử Trung Quốc khi mà những đệ nhất phu nhân của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào thường hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

"Sức hút trước giới truyền thông do chính bà Bành tạo ra. Phần lớn người dân Trung Quốc đều biết tới bà Bành trước khi bà trở thành đệ nhất phu nhân của ông Tập Cận Bình.

Chắc chắn nhưng người trên 30 tuổi đều biết tới tên tuổi của bà Bành", Tiến sĩ Li Mingjian tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) chia sẻ.

"Đối với những ca sĩ danh tiếng việc phải đối mặt với những tin đồn ác ý là điều không thể tránh khỏi nhưng với phu nhân Bành, bà chưa từng vấp phải hoàn cảnh này. Bởi bà đã tự xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp", ông Li nói.

Phong cách ăn mặc của bà Bành còn được so sánh với đệ nhất phu nhân của Tổng thống Mỹ (áo đỏ ở giữa).

Không ít lần, báo chí đã so sánh bà Bành với phu nhân của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Bởi phu nhân của ông Sarkozy cũng xuất thân từ một ca sĩ kiêm nhạc sĩ.

Phong cách ăn mặc của bà Bành cũng được sánh ngang với phu nhân của Tổng thống Mỹ Barack Obama và được đưa vào danh sách "Những đệ nhất phu nhân sành điệu nhất thế giới".

"Thế giới luôn coi Trung Quốc là một mối đe dọa và hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc cũng bị đáng giá là chất lượng không tốt.

Tuy nhiên, phần lớn truyền thông thế giới đều nhìn nhận phu nhân Bành Lệ Viên vói ánh mắt tích cực. Điều này đã giúp nâng cao hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế.

Họ còn gọi bà Bành là 'tấm danh thiếp mới của Trung Quốc'", nhà nghiên cứu tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhou Jiali chia sẻ.

Mặc dù, được truyền thông khá ưu ái nhưng theo CNBC, bản báo cáo của Đại học Nhân dân Trung Quốc đã phóng đại tầm ảnh hưởng của bà Bành trong vai trò thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với thế giới.

Khi mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một hình ảnh tích cực thông qua những lời cam kết hỗ trợ giáo dục và đào tạo của bà Bành, thì hiệu quả vẫn chỉ có giới hạn.

"Quyền lực mềm thu được từ nhiều yếu tố khác chứ không chỉ từ hành động của một đệ nhất phu nhân.

Ví dụ, những câu chuyện thành công về nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma sẽ là ví dụ điển hình khiến thế giới cảm phục Trung Quốc.

Khả năng cung ứng các mặt hàng mang tầm cỡ quốc tế và thiết lập những tổ chức như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á cũng là một điểm sáng gây chú ý của Trung Quốc với thế giới", ông Li nói.

Còn theo nhà phân tích Li Yinhe tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hình ảnh của đảng Cộng sản Trung Quốc thường bị đánh giá là không minh bạch và các nhà lãnh đạo thì cứng rắn như robot.

Do đó, sự xuất hiện của bà Bành đã đem lại sự khác biệt trên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, giới quan sát chính trị lại nghi ngờ rằng đệ nhất phu nhân Trung Quốc có thể làm thay đổi những chính sách ngoại giao của nước này.

"Bà Bành bị hạn chế ở nhiều khía cạnh như việc bà không thể nói được tiếng Anh. Đây là rào cản ngay cả khi Trung Quốc muốn nâng tầm vị thế của đệ nhất phu nhân", ông Li nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, việc để đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện xuất hiện trước công chúng, cũng sẽ chỉ có giới hạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại