Hàng nghìn công nhân mỏ than Trung Quốc biểu tình

Tuệ Minh |

Hàng nghìn công nhân mỏ than ở phía Đông Bắc Trung Quốc đã biểu tình vào cuối tuần qua để yêu cầu được trả lương, khi các ngành công nghiệp nặng của nước này đang phải chịu sức ép vì quá tải.

Những người biểu tình là công nhân của khu mỏ Shuangyashan, thuộc tập đoàn Longmay. Trong các bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, hàng nghìn người biểu tình mang các băng rôn với dòng chữ: “Chúng tôi muốn được sống, chúng tôi muốn được ăn”.

Do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang trên đà tụt dốc nên chính phủ nước này cố gắng cắt giảm tình trạng quá tải ở các ngành công nghiệp nặng như than đá, thép, tuy nhiên động thái này khiến Bắc Kinh phải đối mặt với áp lực thất nghiệp tồi tệ nhất từ cuối những năm 1990 đến nay.

Theo truyền thông địa phương, những công nhân than cho biết họ không được trả lương đúng hạn và một số còn hết sức giận dữ vì lương của họ đã bị cắt giảm từ 1.000 nhân dân tệ xuống còn 800 nhân dân tệ (khoảng 123,19 USD) một tháng.

“Hàng nghìn người đã tiến hành biểu tình vào cuối tuần qua và cảnh sát đã phải ra tay can thiệp”, một người chứng kiến cho biết.

Một tuyên bố trên trang web của chính quyền tỉnh Hắc Long Giang cũng thừa nhận các công nhân mỏ than bị nợ tiền lương nhưng không đề cập đến cuộc biểu tình.

Các phóng viên nước ngoài như Reuters cũng không thể liên lạc được với lãnh đạo công ty Longmay, cảnh sát địa phương hay chính quyền tỉnh.

Ông Lu Hao, tỉnh trưởng tỉnh Hắc Long Giang, phát biểu trong một cuộc họp quốc hội thường niên vào tuần trước, cho biết, hai ngành công nghiệp chính của Hắc Long Giang là dầu và than đã bị tụt giá nghiêm trọng thời gian qua, cùng với việc quản lý kém hiệu quả của những công ty nhà nước chính là căn nguyên của mọi vấn đề.

Ông Lu cho biết, công ty Longmay cho biết đã bị thua lỗ từ năm 2012 và phải cắt giảm nhiều nhân công. Số lao động này sau đó đã được địa phương thuê lại hoặc chuyển sang làm nông.

“Điều quan trọng là chúng tôi phải đào tạo cho những người công nhân này các kỹ năng mới, tạo ra các cơ hội thị trường mới và khuyến khích họ tự điều hành công việc làm ăn của mình.

Những người này cũng sẵn sàng học các nghề mới nhưng một số vẫn chưa thể thích nghi được. Điều này cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp”, ông Lu nói.

Các nguồn tin cho Reuters biết, Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm từ 5 triệu đến 6 triệu công nhân địa phương trong vòng 2-3 năm tới như một phần trong nỗ lực giảm thiểu sự quá tải của ngành công nghiệp và ô nhiễm mỗi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại