Hai trăm người Tân Cương bị bán sang Thái Lan?

Khoảng 200 người được cảnh sát cứu khỏi một trại buôn người ở miền nam Thái Lan được cho là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cảnh sát Thái Lan thông báo hôm 14/3.

Đây được coi là một bằng chứng của tình trạng buôn người ở miền nam Thái Lan, cho dù chính quyền sở tại đang tích cực truy quét.

"Bọn buôn người đang mở rộng đối tượng", Cảnh sát trưởng Thatchai Pitaneelaboot cho biết.

Ông Pitaneelaboot từng chỉ huy hàng loạt vụ truy quét các trại buôn người ở miền nam Thái Lan.

Trong số nạn nhân có 200 người được cho là đến từ Tân Cương vừa được giải cứu hôm 12/3 tại một khu đồi trồng cao su. Trong số người được cứu có ít nhất 100 trẻ em, hầu hết đang ở tuổi chập chững hoặc vẫn còn bú mẹ, và có cả một phụ nữ đang mang thai.

Cảnh sát nói rằng, những người này khai họ là người Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không có giấy tờ gì để chứng minh. Theo cảnh sát, nhiều người trong số đó có đặc điểm khuôn mặt giống những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ đang bị giữ ở Bangkok.

Cảnh sát Thái đang gặp khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc của họ vì họ chỉ nói vài từ Ả-rập với ngay cả những người Hồi giáo Thái Lan được mời đến để giúp đỡ.

Một số ý kiến cho rằng những người này từ chối thừa nhận là công dân Trung Quốc để tránh bị buộc phải hồi hương. Một nhà ngoại giao Trung Quốc đã đến khu vực để đánh giá tình hình, còn quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trên đường tới Bangkok, cảnh sát Thái Lan cho biết.

Trong một vụ liên quan, cảnh sát Malaysia hôm 13/3 bắt giữ 62 người vượt biên trái phép qua biên giới Thái Lan, báo New Straits Times đưa tin. Những người này cũng tự xưng là người Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù người Thổ Nhĩ Kỳ hiếm khi đi tị nạn theo cách này. Ngày càng nhiều người di cư châu Á tìm đường sang Malaysia, quốc gia có phần đông dân số là người Hồi giáo và đang khan hiếm lao động.

Bài báo của Reuters hôm 6/3 nói rằng những kẻ buôn người đang giữ hàng trăm người Hồi giáo Rohingya tại vùng miền bắc Malaysia để đòi tiền chuộc. Điều này cho thấy những kẻ buôn người đang chuyển địa bàn hoạt động sang Malaysia khi chính quyền Thái truy quét những khu vực rừng núi gần biên giới.

Hai đợt truy quét của cảnh sát Thái Lan hồi tháng 1 đã giải thoát tổng số 636 người. Ít nhất 200 trong số đó là người Bangladesh. Số còn lại là người Rohingya, đa phần là người Hồi giáo không được thừa nhận ở Myanmar. Xung đột giữa những người theo đạo Phật và người Hồi giáo ở miền tây Myanmar từ năm 2012 khiến ít nhất 192 người chết và 140.000 người trở thành vô gia cư. Từ đó đến nay, hàng chục nghìn người Rohingya rời khỏi Myanmar bằng thuyền, sau đó không ít người cập bến Thái Lan.

Reuters gần đây đưa tin những người Rohingya bị giữ làm con tin trong nhiều trại phi pháp gần biên giới với Malaysia cho đến khi người thân của họ trả tiền chuộc. Một số bị đánh và giết hại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại