Trên thực tế, sau khi các cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại Paris vào năm ngoái, Bỉ trở thành tâm điểm của chiến dịch chống khủng bố, bởi vì rất nhiều kẻ khủng bố lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công vào nước Pháp có liên quan đến Bỉ.
Molenbeek là một quận ngoại ô, nằm ở phía Tây Bắc Brussels, thậm chí đã trở thành "thiên đường của những phần tử thánh chiến."
Theo những nhà quan sát, với dân số chỉ với 11 triệu người, Bỉ đang tồn tại vấn đề về "chủ nghĩa cực đoan" rất nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Khi sự kiện 11/9 xảy ra, Bỉ đã đi đầu trong phong trào chống khủng bố quốc tế.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc (Global Times) từng tiến hành một cuộc khảo sát để trả lời cho câu hỏi "Tại sao Bỉ trở thành nơi ẩn náu được yêu thích của chủ nghĩa cực đoan?"
Sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, Molenbeek trở thành đối tượng được các bên "mổ xẻ," nhiều tên khủng bố có liên quan đến vùng ngoại ô này. Molenbeek thực sự đang bị kỳ thị.
Mất 15 phút đi bộ về hướng Tây từ quảng trường đông đúc du khách ở trung tâm thành phố Brussels, đi qua bờ kênh Charleroi-Brussels và khi phát hiện các tòa nhà hai bên đường mỗi lúc một đổ nát thì đã đến lúc đặt chân đến Molenbeek.
Trước đây, BBC từng đưa tin Molenbeek là một cộng đồng Hồi giáo lớn, đông dân cư và có tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trước khi ngành công nghiệp nặng Bỉ suy thoái và vào những năm 80 của thế kỷ trước, Molenbeek trở thành khu ổ chuột của tầng lớp công nhân, nhiều người nhập cư Hồi giáo sinh sống ở đây.
Tuy nhiên với sự suy giảm của ngành công nghiệp nặng, nơi này bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. Hai bên của con kênh giờ chỉ còn những nhà xưởng cũ nát, không có sự sống.
Tại Bỉ, hầu hết mọi người nghe nói đến "Molenbeek" cũng sẽ thể hiện sự khinh bỉ và nói rằng "nơi đó là từ thay thế cho sự thất bại của chính trị" và "nỗi xấu hổ của nước Bỉ" hoặc những thứ đại loại như vậy.
Vào cuối tuần sẽ có các phiên chợ ngoài trời tại khu vực giao nhau giữa Molenbeek và Anderlecht. Tuy nhiên những con đường chật hẹp, giao thông tắc nghẽn, đường phố bẩn thủi và những thanh niên thất nghiệp đứng đầy ngoài đường khiến cho người ta cảm thấy bất an.
31% người Bỉ trên Twitter ủng hộ IS?
Tình trạng như vậy tại Molenbeek phản ánh những vấn đề nghiêm trọng mà nước Bỉ phải đối mặt. Dữ liệu cho thấy vào năm 2014, Bỉ là quốc gia Tây Âu cung cấp nhiều thành viên nước ngoài cho các nhóm phiến quân nhất. Cứ một triệu người dân Bỉ thì sẽ có 40 phần tử vũ trang.
Báo Le Monde của Đức nói rằng so với các nước châu Âu khác, tỷ lệ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên Twitter của người Bỉ lên tới 31%.
Đối với vấn đề cực đoan của Bỉ, tờ The Guardian của Anh từng điểm lại câu chuyện trong quá khứ. 20 năm trước, trong lúc cảnh sát Bỉ tiến hành lục soát các căn hộ khi điều tra Nhóm chiến binh Hồi giáo (GIA) của Algeria đã phát hiện một văn bản bằng tiếng Arab.
Trang đầu tiên của văn bản này liên quan đến tổ chức khủng bố al-Qaeda và vai trò của trùm khủng bố Osama bin Laden. Đây cũng là tài liệu về thánh chiến đầu tiên được tìm thấy tại châu Âu, trong khi đó GIA chỉ là một trong nhiều tổ chức khủng bố đặt cơ sở tại Bỉ.
Một vụ việc khác là vào ngày 9/9/2011, coi như là đêm trước của sự kiện 11/9, ở miền Bắc Afghanistan, lãnh đạo lực lượng chống lại Taliban, Ahmad Shah Massoud, đã bị hai tên phần tử khủng bố mang hộ chiếu Bỉ ám sát.
Những kẻ khủng bố Paris mua vũ khí ở Brussel?
Tại sao nước Bỉ lại trở nên như vậy? Theo Global Times, chủ đề này thực sự có rất nhiều điều để nói. Truyền thông Mỹ khi chỉ trích chính phủ không hành động thường nói rằng "Lẽ nào bạn muốn biến đất nước chúng ta thành Bỉ sao?".
Sau năm 2010, Bỉ từng có 18 tháng không có chính quyền trung ương nhưng chính quyền các địa phương vẫn làm tốt nhiệm vụ, cuộc sống của người dân được đảm bảo, họ đã trở thành một ví dụ tốt đẹp cho chủ nghĩa vô chính phủ.
Một ngưởi Bỉ nói với Global Times: "Trước những năm 80 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp nặng của Bỉ rất phát triển, chủ yếu tập trung vào khu vực nói tiếng Pháp vì vậy khu vực này rất giàu có, sự giàu có mà bạn cũng không thể tưởng tượng."
Người giàu có ở Bỉ không muốn làm những công việc như đào đường hầm, đào kênh đào nên đã tuyển dụng công nhân từ Maroc. Sau khi công trình kết thúc, chính phủ quyết định cho phép những người này định cư ở Bỉ, sau đó rất đông người Maroc đến Bỉ.
Mặt khác, chính sách khu tự trị và sự đấu đá của các đảng phái cũng thúc đẩy mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan ở Bỉ. Trước đây, thị trưởng thành phố tự trị Molenbeek là người thuộc đảng xã hội.
"Vợ ông ta là người Maroc nhập cư. Trong 20 năm cầm quyền, ông ta không hề có cống hiến gì trong việc phòng chống bạo lực đường phố, hòa nhập xã hội và xúc tiến việc làm, chỉ làm duy nhất một việc đó là cho phép một số lượng lớn người nhập cư đến định cư tại Bỉ," một người dân nói.
Kinh tế, chính trị, tôn giáo chỉ là chất phụ gia cho chủ nghĩa cực đoan trong khi nhân tố góp phần thúc đẩy hành động khủng bố lại chính là các "chợ đen."
Tại nhà ga tàu điện phía Nam của Brussels, mọi thứ đều có thể được mua, kể cả vũ khí. Có nguồn tin nói rằng vũ khí được dùng trong các vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo của Pháp và một số vụ tấn công khủng bố khác đều được mua tại đây.
Vì vậy, cũng giống như các vùng ngoại ô của những thành phố lớn như Paris hay Marseille, nơi này có những đặc điểm nổi bật trở thành địa điểm ẩn náu của chủ nghĩa cực đoan như: tồn tại nhiều tổ chức có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan, số dân nhập cư đông đúc, tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ người thu nhập thấp chiếm số đông, tồn tại các mạng lưới buôn bán ma túy và vũ khí./.