Giới chuyên gia: Mỹ chỉ có thể đảm bảo được an ninh nếu hợp tác với Nga

Đào Cảnh |

Theo các chuyên gia, kịch bản tồi tệ nhất là thế giới sẽ hình thành một trật tự hai cực: một cực là Mỹ và các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á; một cực là Nga và Trung Quốc.

Mỹ sẽ không thể tiếp tục giữ vai trò "cường quốc số 1 thế giới" nếu như tiếp tục cho phép bản thân "có ngoại lệ" khi giải quyết các vấn đề quốc tế.

Bối cảnh xung đột hiện nay tại Trung Đông cho thấy Mỹ sẽ chỉ có thể đảm bảo được an ninh quốc gia của mình nếu hợp tác với Nga.

Nhận định trên do 2 chuyên gia phân tích chính trị Aleksandr Dynkin, Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và các vấn đề kinh tế quốc tế của Nga và Matthew Burrows, Giám đốc Trung tâm dự báo chiến lược trực thuộc Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ đưa ra trong bài báo đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ.

Theo các tác giả này, các nước phương Tây hiện đang không muốn hợp tác với Nga trong bối cảnh mà việc chống lại các mối đe dọa toàn cầu, trong đó có chống chủ nghĩa khủng bố, đang rất cần đến các nỗ lực chung.

Trong khi đó, Nga đang ngày càng có vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu, ví dụ như giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư đến châu Âu từ Syria, xung đột quân sự ở Syria, sự sụp đổ của một số chế độ ở Trung Đông...

"Vực sâu về chiến lược và chính trị giữa Nga và phương Tây đang khiến người ta nhớ về thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Trong bối cảnh những sự kiện đang diễn ra (Ở châu Âu, Syria và Trung Đông) thì các nước phương Tây lại không muốn hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS"- các tác giả nhận định.

Theo Aleksandr Dynkin và Matthew Burrows, hiện cả Nga cũng như phương Tây cần phải mở rộng mối liên hệ và phối hợp hành động với nhau.

Trong tương lai dài hạn, Mỹ sẽ không thể cho mình quyền tiếp tục thực hiện các quan điểm đã lạc hậu về sự "ngoại lệ" của mình trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Ngoài ra, cả Nga và châu Âu cũng không thể chỉ tiếp tục tập trung vào hợp tác với láng giềng của mình.

Việc các bên gia nhập vào các quá trình liên kết xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương để giải quyết các vấn đề kinh tế và an ninh là điều cần thiết đối với tất cả các bên.

Các cường quốc và các lực lượng chủ chốt trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản đều có lợi ích chung trong việc giải quyết xung đột ở tất cả các khu vực trên thế giới như Trung Đông, Bắc Phi và Pakistan.

Đối với Mỹ, các chuyên gia trên cho rằng Mỹ cần phải tính đến một trật tự mới đang được hình thành trên trường quốc tế.


Liệu Nga - Mỹ có đồng lòng sau những gì xảy ra trên thế giới?

Liệu Nga - Mỹ có "đồng lòng" sau những gì xảy ra trên thế giới?

Chính sách cũ của phương Tây dựa trên quan điểm "Quyền được bảo vệ" (Right to protect, R2P) và quyền thúc đẩy dân chủ đang vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của cả các "chế độ độc tài", cũng như của "các nền dân chủ đang phát triển" khác.

Đã đến thời điểm Mỹ phải thừa nhận rằng quyền lực chỉ là tạm thời và việc giải quyết vấn đề toàn cầu nào đó sẽ đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên có lợi ích trong vấn đề đó.

Kịch bản tồi tệ nhất là thế giới sẽ hình thành một trật tự hai cực: một cực là Mỹ và các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á, một cực là Nga và Trung Quốc.

Washington khi đó sẽ không thể nào giải quyết được căng thẳng ngày càng gia tăng với Moscow và Bắc Kinh do những vấn đề ở Trung Đông gây nên.

"...Cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay đang tạo ra những khả năng thúc đẩy liên minh chưa từng có trong tiền lệ nhằm hiện thực các lợi ích chung, bất chấp các bên vẫn có quan điểm khác nhau về một số vấn đề khác.

Đây có thể là bước đi tích cực đầu tiên trong quá trình khởi động một mô hình hợp tác mới"- Aleksandr Dynkin và Matthew Burrows kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại