Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Brisbane, Úc, hình ảnh để lại nhiều dấu ấn nhất trên truyền thông quốc tế chính là những chú gấu koala của quốc gia này.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ôm gấu koala tại Hội nghị thưởng đỉnh G-20 vừa qua.
Tân Hoa Xã (Trung Quốc) mô tả, chiếc bụng mềm mại và vẻ mặt "lười biếng" của những chú koala khiến không ai có thể khước từ "sự tấn công quyến rũ" này.
Lãnh đạo các quốc gia tham gia G-20, bao gồm những nhân vật quyền lực nhất nhì thế giới như Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama cũng phải "xếp hàng" để được ôm ấp chú gấu đáng yêu này.
Tổng thống Nga Putin và chú chó giống Karakachan quý hiếm.
Tân Hoa Xã bình luận, dễ thương và "lừa tình" là những chiêu bài lợi hại của động vật để giành được tình cảm của con người. So với những tác phẩm nghệ thuật tinh tế cao siêu thì động vật lại dễ dàng tạo được cảm giác gần gũi hơn.
Năm 2012, để cảm ơn nước Nga giúp Nhật Bản cứu trợ thiên tai, nhân chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Koichiro Genba, Thị trưởng thành phố Akita Satake Norihisa đã gửi tặng Tổng thống Nga Putin một chú chó giống Akita. Đáp lại, ông Putin cũng tặng lại phía Nhật Bản chú mèo Siberia.
Sự kiện trên được truyền thông quốc tế gọi là "ngoại giao thú cưng". Tổng thống Putin có tiếng là yêu thích chó, và ông cũng thường xuyên nhận được quà tặng là những chú chó đáng yêu.
Năm 2010, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov đã tặng ông Putin một chú chó chăn cừu giống Karakachan của Bulgaria. Karakachan là một trong những giống chó cổ nhất Châu Âu và được xếp vào loài động vật "được bảo vệ".
Tháng 9/2005, các bác sĩ Mỹ kiểm tra sức khỏa cho chú gấu trúc Thái Sơn.
Theo Tân Hoa Xã, động vật còn được cho là "vũ khí tối thượng" trên đấu trường ngoại giao với khả năng "bách chiến bách thắng". Hãng thông tấn Trung Quốc cũng cho rằng, một trong những "sứ giả 4 chân" tiêu biểu nhất chính là loài gấu trúc của Trung Quốc - loài vật được xem là biểu tượng của hòa bình và hữu nghị.
Năm 1972, việc Tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc và được tặng gấu trúc đã tạo ra cơn bão truyền thông.
Khi chuyên cơ đưa 2 chú gấu Hưng Hưng và Linh Linh về tới Vườn thú quốc gia Washington, hơn 8000 người Mỹ đã đội mưa để "gặp mặt" 2 đại sứ ngoại giao này.
Theo truyền thông Trung Quốc, tầm ảnh hưởng của ngoại giao gấu trúc là "rất to lớn". Là loài động vật mà quốc gia này "sở hữu độc quyền", gấu trúc luôn phát huy được tác dụng mà Trung Quốc mong muốn trong việc nâng cao tình cảm ngoại giao.
Ngày 12/5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Turkmenistan Berdimuhamedow tham dự lễ khai mạc Đại hội đặc biệt về văn hóa ngựa Trung Quốc của Hiệp hội "hãn huyết mã" thế giới. Ông Tập nhận quà là một chú "hãn huyết bảo mã" từ ông Berdimuhamedow.
Bên cạnh đặc điểm "độc nhất vô nhị", trong các hoạt động ngoại giao, động vật còn được xem là vật tượng trưng cho tinh thần dân tộc của một quốc gia. Ví dụ, loài ngựa quý "Hãn huyết bảo mã" là "quốc bảo" và biểu tượng tinh thần của Turkmenistan.
"Hãn huyết bảo mã" - loài ngựa từng xuất hiện trong tiểu thuyết kiếm hiệp "Anh hùng xạ điêu" của nhà văn Kim Dung - là một trong những giống ngựa cổ xưa quý hiếm nhất thế giới, tượng trưng cho tinh thần bất khuất của các dân tộc trên thảo nguyên.
Turkmenistan sử dụng hình ảnh "hãn huyết bảo mã" trên quốc huy và đồng tiền của họ, xem đó như một niềm tự hào. Sử dụng loài động vật mang tính biểu trưng làm "quốc lễ", chính là cách tốt nhất để chuyển tải thông điệp của cả một quốc gia - Tân Hoa Xã kết luận.