Giải mật tổ chức đặc vụ thần bí nhất trong lịch sử

Hải Võ |

Trung Quốc triều Minh được ví như "thời đại của các tổ chức đặc vụ", Cẩm y vệ là một trong số những tổ chức tình báo nổi tiếng nhất thời kỳ này.

Tên đầy đủ của Cẩm y vệ là "Cẩm y thân quân đô chỉ huy sứ ti", tiền thân là "Củng vệ ti" do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập ra, sau đổi thành "Thân quân đô úy phủ", chưởng quản nghi trượng và thị vệ của Hoàng đế.

Năm Hồng Vũ 15 (1382), Chu Nguyên Chương bỏ Thân quân đô úy phủ và Nghi loan ti, đổi thành Cẩm y vệ.

Trong vai trò cơ quan cảnh vệ quân sự của Hoàng đế Minh triều, Cẩm y vệ được Chu Nguyên Chương cấp quyền chưởng quản hình ngục, tuần sát và bắt giữ, nhằm tăng cường quyền lực thống trị của trung ương.

Cơ cấu trực thuộc Cẩm y vệ có Trấn phủ ti phụ trách công tác trinh sát, bắt giữ, thẩm vấn...

Một đặc vụ Cẩm y vệ
Một đặc vụ Cẩm y vệ

Bối cảnh lịch sử

Kể từ khi Tần Thủy Hoàng lập quốc, các triều đại trong xã hội phong kiến Trung Quốc đều sử dụng các biện pháp nhằm bảo hộ và duy trì lợi ích của nhà thống trị. Mục tiêu của bọn họ về cơ bản giống nhau, chỉ khác ở phương thức.

Tần Thủy Hoàng tin tưởng vào đường lối cứng rắn "dĩ bạo trị quốc", tôn thờ biện pháp cai trị bằng vũ lực. Kết cục là Tần triều chỉ đến Tần Nhị Thế là bại vong.

Hán, Đường tôn sùng Nho giáo, đi theo đường lối cai trị ôn hòa, song không loại bỏ được nạn hoạn quan, ngoại thích lộng triều, cuối cùng vẫn không thoát được "bánh xe lịch sử".

Sau khi đánh đuổi Nguyên Mông khỏi lãnh thổ và lập ra triều Minh, Chu Nguyên Chương đã phát triển một loại hình "vũ khí" thống trị nhân dân cực lợi hại, đó là hình thức "đặc vụ thống trị".

Minh triều là thời đại cực thịnh của các loại tổ chức mật vụ mà không một triều đại nào trong lịch sử Trung Quốc có thể so bì.

"Đấu tố lẫn nhau, người người hoang mang sợ hãi" dường như đã trở thành bản sắc chủ đạo của Trung Quốc trong giai đoạn thống trị của Minh triều.

Giống như nhiều Hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc, Chu Nguyên Chương xuất thân bình dân, trải qua "một cuộc bể dâu" mà cùng các huynh đệ "hoàn thành đại nghiệp".

Xã hội phong kiến Trung Quốc có một cái "dớp" kỳ lạ. Phàm là những "chiến hữu đánh thiên hạ, đồng cam cộng khổ" với Hoàng đế, đều không có kết thúc tốt đẹp sau khi "đại sự đã thành".

Kẻ nắm giữ quyền thống trị cuối cùng - tức Hoàng đế - vì muốn bảo vệ quyền lực bản thân, hoặc để "mở đường" cho thế hệ tiếp nối, thường lựa chọn thanh trừng những khai quốc công thần từng vào sinh ra tử cùng mình, để phòng ngừa xảy ra hiện tượng thần tử "công cao át chủ".

Chu Nguyên Chương tin tưởng mạnh mẽ vào câu thành ngữ "ngọa tháp chi trắc, khởi dung tha nhân điềm thụy" (Bên giường của mình, làm sao có thể để kẻ khác ngủ ngon).

Sau khi Minh triều lập quốc (1368), Chu Nguyên Chương dường như "triệt để rút kinh nghiệm" từ liệt đại Hoàng đế. Những chiến hữu năm xưa càng là kẻ có năng lực càng khiến ông không yên lòng.

Thời Tống, Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn cũng không yên tâm với những khai quốc công thần, song cách làm của ông nhẹ nhàng hơn. Triệu Khuông Dẫn mời các công thần ăn uống no say, yêu cầu họ trao trả quyền lực và cho cáo lão về quê.

Đường lối của Minh Thái Tổ trái ngược với Triệu Khuông Dẫn. Các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng nguyên nhân chủ yếu do ông e sợ nguy hại đến đời con, ảnh hưởng đến cơ nghiệp Đại Minh của ông.

Vì vậy, tổ chức đặc vụ Cẩm y vệ được ra đời với quyền lực "sinh sát" không cần thông qua các cơ quan tư pháp. Nói cách khác, Cẩm y vệ không khác một cơ quan tư pháp - hành pháp độc lập.

Cẩm y vệ nắm quyền lực như một cơ quan tư pháp - hành pháp.
Cẩm y vệ nắm quyền lực như một cơ quan tư pháp - hành pháp.

Bóng đen "Cẩm y vệ"

Có tổ chức mật vụ Cẩm y vệ trong tay, Chu Nguyên Chương nhắm tới Thừa tướng Hồ Duy Dung đầu tiên. Hồ bị thanh trừng năm Hồng Vũ 12.

Số người liên đới trong vụ Hồ Duy Dung lên tới 10.000 người - một con số khủng khiếp trong lịch sử các cuộc thanh trừng. Thậm chí đến cuối cùng, Thái sự Lý Thiện Trường cũng bị cuốn vào vụ án và bị giết cả nhà năm ông 77 tuổi.

Trong lịch sử Trung Quốc, chưa khi nào bầu không khí chính trị trở nên u ám và đáng sợ như giai đoạn cai trị của Chu Nguyên Chương.

13 năm sau vụ đại án Hồ Duy Dung, Hồng Vũ Đế tiếp tục "giá họa" và thanh trừng công thần Lam Ngọc.

Các học giả hiện đại bình luận, Lam Ngọc là vị đại thần "trung can nghĩa đảm" đối với Chu Nguyên Chương. Cái chết của ông khiến người trong thiên hạ ai oán.

Dưới bàn tay Cẩm y vệ, vụ Lam Ngọc khiến cho hơn 10.000 người nữa gặp họa sát thân. Sau vụ án này, các công thần của Minh triều hầu như đã "rơi rụng" hết.

Hành động của Hồng Vũ Đế khiến ngay cả Thái tử Chu Tiêu cũng cảm thấy bất mãn, từng can gián - "Bệ hạ lạm sát vô số, e rằng làm tổn hại hòa khí triều đình".

Chu Nguyên Chương không nói gì, ngày hôm sau ông đem một sợi dây dài đầy gai góc bắt Thái tử... luyện tay. Chu Tiêu sợ đứt tay nên không làm theo.

Lúc này Chu Nguyên Chương mới nói - "Con sợ đứt tay mà không dám tập. Nay ta loại bỏ hết gai góc mà đưa lại cho con, như vậy không tốt hay sao?

Những kẻ ta giết đều là nhân vật nguy hiểm cho quốc gia. Diệt trừ họ đi, con mới ngồi vững được giang sơn này."

Thiên hạ Minh triều: Mật vụ trà trộn khắp trong dân

Cẩm y vệ không chỉ kiểm soát quan lại triều đình, mà còn chiếu theo lệnh Hoàng đế liên tục do thám và thu thập quân tình cũng như ý dân.

Cơ quan này hoạt động hiệu quả đến mức chỉ cần là những ngôn luận gây bất lợi cho chính quyền đều không thoát khỏi tai mắt của Cẩm y vệ.

Cái tên "Cẩm y vệ" gần như trở thành một dạng đặc quyền. Quan lại địa phương cũng không dám tùy tiện chất vấn nhiệm vụ của họ.

Thậm chí, chỉ cần tỏ thái độ bất mãn với đặc vụ Cẩm y vệ cũng có khả năng bị bắt về thẩm vấn với một tội danh "vu vơ".

Các nghiên cứu hiện đại đều khẳng định, những người bị Cẩm y vệ "đưa đi phục vụ điều tra" thì chắc chắn là thập tử nhất sinh. "Nhẹ nhàng" nhất cũng là... tàn phế cả đời.

Chu Nguyên Chương phái Cẩm y vệ "nằm vùng" tại khắp các địa phương. Bọn họ không bỏ qua bất kỳ thông tin "vỉa hè" nào, từ việc quan lại mời khách nào, làm thơ gì... Hoàng đế nều nắm rõ như lòng bàn tay, khiến triều thân vô cùng e sợ. Đây cũng chính là hiệu quả mà Hồng Vũ Đế mong đợi.

Cẩm y vệ hình thành từ sự ám ảnh chính trị của Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương
Cẩm y vệ hình thành từ sự ám ảnh chính trị của Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương

Sự ám ảnh của Chu Nguyên Chương

Minh sử ghi chép lại, Cẩm y vệ thường dùng 18 loại hình cụ, trong đó có một loại gọi là "trượng hình" được các đặc vụ Cẩm y vệ sử dụng vô cùng tinh tế.

Trong lịch sử các vương triều phong kiến Trung Quốc, Minh là triều đại mà các tổ chức đặc vụ khủng bố nhất. Chu Nguyên Chương xuất thân áo vải, ông hiểu rất rõ các hoạt động trong dân gian, đồng thời nhận thức được sức mạnh khổng lồ của quần chúng.

Chính vì vậy, khi ngồi lên ngai vàng, Chu càng lo sợ sức mạnh của dân sẽ có ngày khiến ông "lật thuyền". Trong lý luận của Chu Nguyên Chương, bản thân ông có khả năng leo lên ngai vàng từ một kẻ bình dân thì người khác cũng có khả năng đó.

Một số học giả cho rằng, Chu Nguyên Chương có phần "tự ti" về thân phận của mình, đồng thời lúc nào cũng nơm nớp lo bị triều thần bán đứng. Trong mắt ông, "hiểm họa không lúc nào không tồn tại", buộc Chu phải không từ thủ đoạn kiểm soát các mối đe dọa.

Sau khi Minh triều thành lập, ban đầu họ cũng thi hành chế độ giống triều Nguyên, tại trung ương bố trí tả hữu Thừa tướng và Trung thư tỉnh.

Tuy nhiên, do ám ảnh quyền lực Trung thư tỉnh quá lớn, Chu Nguyên Chương đã phế bỏ cơ quan này năm Hồng Vũ thứ 9, thiết lập Bố chính ti. Theo đó, quyền hành pháp được trao cho đơn vị này, còn quyền quyết sách hoàn toàn quy thuộc Hoàng đế.

Đồng thời với việc thâu tóm quyền lực, Hồng Vũ Đế lại bắt đầu phân tán quyền lực của quân đội. Ông cơ cấu Đại đô đốc phủ ban đầu thành 5 Đại đô đốc phủ khác, nhằm thực hiện chính sách "chia để trị", không cho quân đội cơ hội hình thành thế lực chống đối.

Những chính sách kiểm soát, giám sát quá hà khắc, thậm chí khủng bố của Minh triều xuất phát từ Chu Nguyên Chương về sau đã khiến triều đình Trung Quốc rơi vào sự hỗn loạn bởi chính các tổ chức tình báo đó.

Cuối cùng, Minh cũng không thoát khỏi kết cục diệt vong (1644), "để lại tiếng xấu muôn đời"!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại