Sau khi Gia Cát Lượng hoàn thành cuộc Nam chinh của mình, ông đã lợi dụng lực lượng các dân tộc thiểu số miền Nam để xây dựng một đơn vị bộ đội đặc biệt của Thục Hán - Vô Đương phi quân.
Vô Đương phi quân cùng với đội cấm vệ quân của Lưu Bị Bạch Nhĩ binh và quân đoàn Tây Lương của Mã gia trở thành 3 lực lượng quân đội lớn của Thục Hán.
Đây cũng là một đơn vị quân đội đặc sắc, về tính chất được xem như một biệt đội lính đánh thuê.
Trên thực tế, chính quyền Thục Hán từng sử dụng "lính đánh thuê" thuộc tộc Vũ Lăng - hậu duệ Miêu tộc cổ Trung Quốc - trong cuộc chiến tranh với Đông Ngô.
Lực lượng này đã thể hiện được sức mạnh vượt trội, đem lại lợi thế không nhỏ cho Thục Hán. Ngay cả danh tướng Cam Ninh của Ngô cũng thiệt mạng trong tay đội quân này.
Trong cuộc chiến "7 lần bắt Mạnh Hoạch" - đương nhiên chỉ là tình tiết hư cấu tượng trưng, Gia Cát Lượng lần đầu có được sự nhận thức rõ ràng về sự thiện chiến của dân tộc thiểu số ở Nam Trung.
Đây cũng không phải vấn đề đáng ngạc nhiên, bởi trong lịch sử Trung Quốc, các dân tộc canh nông ở đồng bằng thường thua kém các tộc người du mục về năng lực cũng như tinh thần chiến đấu.
Kết thúc chiến tranh Nam Trung, nhóm chiến binh này rơi vào tình trạng "thất nghiệp". Song việc buông lỏng một thế lực như vậy ở miền Nam chắc chắn sẽ là "nhân tố gây bất ổn" đối với Thục.
Vì vậy, Gia Cát Lượng thực thi một chính sách "nhất tiễn song điêu" đối với vấn đề này, đó là chiêu mộ chiến binh dân tộc thiểu số phục vụ cho quân chính phủ Thục Hán, trong khi ngân sách để "nuôi" đội quân này, sẽ do "giới nhà giàu" địa phương giải quyết.
Bộ sử "Hoa Dương quốc chí" thời Đông Tấn ghi lại, các chiến binh thiểu số (gọi chung là người Di) tham nhận của cải của người Hán, nên thần phục triều Thục Hán, hình thành mối liên kết Di - Hán, giúp Thục dựng nên quân đội địa phương do người Di tự trị.
Tầng lớp sĩ tộc trong xã hội người Di dưới sự bảo trợ của Thục Hán vẫn giữ được địa vị ở địa phương, cho nên sẵn lòng "vung tiền" giúp Thục chiêu binh mãi mã, giảm thiểu mâu thuẫn dân tộc.
Bên cạnh đó, Gia Cát Lượng luôn đề phòng thế lực đối lập miền Nam "ngóc đầu", cho nên triều đình liên tục "bơm tiền" để di dời hàng vạn hộ dân phương Nam về Thục, chia làm năm "bộ", hiệu là Phi quân. Đây chính là nguồn gốc của Vô Đương phi quân.
Đơn vị quân đội "di cư" này sau khi vào Thục thì được mang "quân tịch" của Thục, cha truyền con nối gia nhập quân đội Thục Hán, trở thành "quân nhân chuyên nghiệp".
Năng lực của Vô Đương phi quân
Các chiến binh Vô Đương phi quân "thân mặc thiết giáp, có thể dời non vượt núi, giỏi dùng cung nỏ, tên độc, đặc biệt tinh nhuệ trong tác chiến phòng ngự".
Sử liệu Trung Quốc ghi nhận, Vô Đương phi quân thực sự thể hiện được năng lực chiến đấu vượt trội của mình, biểu hiện xuất sắc trong nhiều cuộc chiến tranh của Thục Hán.
Trong cuộc Bắc phạt ra Kỳ Sơn lần đầu tiên của Khổng Minh, quân Thục do Mã Tắc làm chủ soái giao chiến với tướng Ngụy Trương Cáp ở Nhai Đình.
Ban đầu, do Mã Tắc là người thông thạo tình hình Nam Trung, Khổng Minh hy vọng ông có thể phát huy được sức mạnh của đội quân này.
Tuy nhiên, sai lầm của Mã Tắc khiến Thục quân thảm bại. Lúc này, Vô Đương phi quân do Vương Bình thống soái nhận nhiệm vụ đánh đoạn hậu, yểm hộ thành công cho các lộ Thục quân rút lui khỏi chiến trường.
Đây được xem là chiến công rất nổi bật, giúp Thục tránh được kết cục "toàn quân bị diệt".
Năm Kiến Hưng thứ 9 (231), Khổng Minh lần thứ 4 hưng binh Bắc phạt, lệnh cho Vương Bình làm phó soái đồn trú ở Nam Vi, bản thân Lượng vây Tư Mã Ý ở Kỳ Sơn.
Trước sức ép của cánh quân Khổng Minh, Tư Mã Ý buộc phải triển khai đòn "vây Ngụy cứu Triệu", phái Trương Cáp thống lĩnh đại quân tấn công Vương Bình.
Thời điểm đó, Vô Đương phi quân của Vương Bình có 3.000 binh sĩ, chỉ bằng 1/20 so với quân Trương Cáp. Nhưng các chiến binh phi quân "liều chết chống cự", khiến cuộc tấn công của Trương Cáp lâm vào bế tắc.
Trong khi đó, đại doanh Tư Mã Ý đã bị đại quân Gia Cát Lượng công phá.
Khi Ngụy quân rút lui, quân Vô Đương chuyển sang phát huy được đặc điểm chiến đấu trên núi, phản kích quân Ngụy, tiền hậu giáp công, khiến quân Trương Cáp thảm bại.
Dù cuối cùng, cuộc Bắc phạt lần 4 của Khổng Minh kết thúc trong bế tắc, song đây là lần đầu quân đội Thục Hán "giành được ưu thế" trước tướng Ngụy lão luyện Tư Mã Ý, một phần không nhỏ nhờ Vô Đương phi quân.
Vô Đương phi quân là một trong những lực lượng quan trọng của quân đội Thục Hán và nhiều lần cứu nguy trong các chiến dịch của Thục.
Cũng nhờ đặc điểm thiện chiến trên địa hình rừng núi, Vô Đương thường được huy động thảo phạt các cuộc tạo phản của dân tộc thiểu số miền núi.
Năm Diên Hy thứ 3 (240), ở Hán Gia (Tứ Xuyên) có tộc Di làm phản. Triều đình Thục điều động quân đồn trú địa phương của tướng Hướng Sủng tiễu phạt, kết cục viên tướng này chết dưới tay phản quân.
Thục phải huy động tới Vô Đương phi quân mới kiểm soát được cục diện. Lúc này, lực lượng phi quân của Thục đã bước sang thế hệ thứ 2,3.
Kết cục của phi quân
Sử liệu Trung Quốc chép lại, cái kết của Vô Đương phi quân vô cùng bi tráng. Thời điểm là cuộc Bắc phạt thứ 8 trong 9 lần phạt Ngụy của đại tướng Khương Duy.
Cũng mang nhiệm vụ yểm hộ chủ soái rút lui, Tư lệnh đời cuối của phi quân là tướng Trương Nghi đã thống lĩnh 5.000 phi quân quyết một trận tử chiến cuối cùng. Toàn bộ Vô Đương phi quân tử chiến.
Sau này, mặc dù Thục Hán gây dựng lại đơn vị quân đội Vô Đương phi quân "mới" và có những đóng góp nhất định trong cuộc chiến phòng thủ Dương Bình Quan, song thực tế "một chỉnh thể Vô Đương phi quân" đã không còn tồn tại.