Giấc mơ "nuốt trọn" Biển Đông sau 5.000 năm của Trung Quốc

Cách đây không lâu, Trung Quốc vẫn còn được các nước láng giềng yêu quý vì tầm quan trọng của nền kinh tế nước này cũng như việc Bắc Kinh áp dụng chính sách không can thiệp vào các công việc bên ngoài – đối lập với chính sách đối ngoại hiếu chiến của Mỹ sau sự kiện ngày 11/9/2001.

Ảnh minh họa
Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng e ngại vì tham vọng trên biển của cường quốc này.

Tuy nhiên, một loạt cuộc đối đầu căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ gần đây cùng với việc Bắc Kinh có xu hướng dùng sức mạnh kinh tế của mình để trừng phạt những nước “ngáng đường” họ đã khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á xem lại sự lựa chọn của họ: một bên là  con rồng Trung Quốc ngay cạnh nhưng ngày càng hung hăng và một nước Mỹ ở xa nhưng có vẻ dễ chịu hơn.

"Chứng khoán Mỹ trong khu vực đang tăng lên”, ông Robert A. Manning – một cựu nhà lập kế hoạch của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương ở thủ đô Washington, D.C, cho biết. Theo ông Manning, Trung Quốc “đang gây ra những lo ngại thực sự về ý định của họ trong khu vực, từ Ấn Độ đến Việt Nam".

Người ta không rõ nguyên nhân đằng sau những thay đổi trong cách hành xử và trong chính sách của Trung Quốc. Nó có thể do nhu cầu muốn tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Hoặc đó có thể là do Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh quân sự trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á với Bắc Kinh được xem là mối đe dọa trực tiếp. Thậm chí sự thay đổi của Trung Quốc có thể phản ánh cuộc chiến trong nội bộ Trung Quốc liên quan đến những cải cách về thị trường.

Tuy nhiên, một loạt vụ việc gần đây đã gây ra những quan ngại cho không chỉ từng nước có liên quan mà đến cả tập thể, cộng đồng, từ Ấn Độ đến Nhật Bản và Philippines.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cách đây không lâu từng đưa quân xâm nhập vào sâu trong lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở khu vực biên giới và dựng trại ở đó trong nhiều ngày liên tiếp.

Tuy nhiên, hầu hết những cuộc tranh chấp lãnh thổ khác là ở biển – nơi các nước đều mong muốn giành quyền kiểm soát những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bởi điều đó cho họ có quyền được sở hữu, khai thác các nguồn dự trữ khoáng sản và nguồn cá.

Các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng tập trung vào quyền sở hữu những quần đảo chưa có người sinh sống ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Những quần đảo này tuy nhỏ nhưng vùng đặc quyền kinh tế xung quanh chúng chứa đựng những nguồn lực tự nhiên dồi dào và hấp dẫn.

Không có quần đảo tranh chấp nào nằm gần Trung Quốc và nhiều trong số đó nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác nhưng điều đó chẳng ngăn cản Trung Quốc hung hăng đòi chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ này.

Từ con số 0 đến chiếm Biển Đông?

Ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tàu của Hải quân Trung Quốc từng chĩa radar tên lửa vào tàu và máy bay Nhật Bản. Quần đảo này từng nằm trong sự kiểm soát của Mỹ trong một thời gian sau thế chiến II. Sau đó, nó được Nhật Bản quản lý trong suốt hơn một thế kỷ qua nhưng chủ quyền đối với quần đảo này bị tranh chấp bởi Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Nguồn khí đốt tự nhiên có thể là nguồn lực quý giá nhất ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư nhưng nguồn cá, dầu mỏ và các khoáng sản khác trong khu vực cũng có thể bị đe dọa, ông Jean-Marc F. Blanchard – một giáo sư ở trường Đại học Jiaotong, Thượng Hải, cho biết.

Trữ lượng nguồn khí đốt tự nhiên ước tính ở Senkaku/Điếu Ngư chưa được xác nhận do cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã ngăn cản các hoạt động thăm dò. “Việc Nhật Bản phát triển khu vực sẽ bị coi là một hành động thách thức nghiêm trọng”, ông Blanchard nói.

Mặt khác, Trung Quốc đã bắt đầu hút dầu và khí đốt từ các vùng lãnh hải xung quanh không nằm trong tranh chấp mặc dù Nhật Bản phàn nàn rằng, những nhiên liệu đó có thể đang được hút từ lãnh thổ của họ.

Ở những vùng lãnh hải tranh chấp với Việt Nam, công ty dầu khí Trung Quốc đã ngang nhiên và trắng trợn mở thầu quốc tế để mời các đối tác vào khai thác ở đây. Trung Quốc gần đây còn tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Philippines – nước thiếu sức mạnh hải quân và không quân để kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của mình, đã có những cuộc đụng độ căng thẳng với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, một bãi đá chỉ cách đảo chính Luzon của Philippines có 225km nhưng cách đại lục Trung Quốc tới hơn 1.200km. Tuy nhiên, thực tế đó cũng chẳng ngăn cản được ngư dân Trung Quốc đến khai thác san hô hoặc đánh bắt những loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng trong khu vực như sò khổng lồ mà không được sự cho phép của Manila.

Phát biểu tại Viện Hải quân Mỹ ở San Diego hồi tháng 1 đầu năm nay, ông James Fanell – phó chỉ huy các chiến dịch tình báo và thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đã cảnh báo về chiến dịch của một bộ phận dân sự thuộc Hải quân Trung Quốc còn được gọi là Lực lượng Hải giám nhằm tìm cách kiểm soát các khu vực biển.

Trước năm 1988, sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông gần như là con số 0, ông Fanell nói. Tuy nhiên, theo ông này, “vào năm 2013, Trung Quốc trên thực tế đang giành quyền kiểm soát các khu vực biển mà chưa bao giờ thuộc quyền quản lý hay kiểm soát của bất kỳ chính quyền nào được gọi là Trung Quốc trong suốt 5.000 năm qua”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại